Để có cái nhìn tổng quan về vấn đề này, cũng như những giải pháp cần được đặt ra để khắc phục tình trạng này, chúng tôi đã trao đổi với nhiều bên liên quan.

Một đoàn famtrip Thái Lan đến khảo sát tuyến điểm

Ông Đỗ Ngọc Cơ, Chủ tịch Hội Lữ hành tỉnh: Nguyên nhân chính là do giá tour

Nguyên nhân chính khiến khách Thái Lan không vào tham quan Đại Nội không phải chỉ điện Thái Hòa đang trùng tu, khách đến không thể xem ngai vàng, mà cốt yếu là nằm ở giá tour. Hiện nay, doanh nghiệp nào cũng lấy giá cả để cạnh tranh thu hút khách, ở Thái Lan cũng thế. Hiện, khách đến miền Trung chủ yếu ở sân bay Đà Nẵng. Trong khi đó, chi phí tour ra Huế bị đội lên khá nhiều bởi các dịch vụ vận chuyển, lưu trú, ăn uống ở Huế đều cao hơn so với mặt bằng. Vì vậy, để giảm giá tour, các doanh nghiệp sẵn sàng bỏ các điểm có bán vé, ngay cả điểm tưởng chừng không thể bỏ được như Đại Nội.

Muốn thay đổi thực tế này, cần nhiều giải pháp. Trước tiên cần đặt câu hỏi, du lịch Huế xác định tầm quan trọng của thị trường Thái Lan như thế nào. Nếu đã xác định thị trường trọng điểm thì cần có giải pháp xứng đáng.

Để thay đổi cơ bản, đầu tiên cần thay đổi quan điểm: “Vào Đại Nội không có gì”. Khách Thái Lan đang khá mơ hồ về các điểm đến của Huế. Họ chọn các điểm đến ở Huế chủ yếu từ doanh nghiệp tư vấn. Vì vậy, quan trọng là để người dân Thái Lan biết điểm đến của Huế có những gì. Tôi mới qua Thái Lan, thấy gần như trên khắp các tuyến đường, các điểm quan trọng như sân bay, trung tâm mua sắm, hình ảnh Bà Nà (Đà Nẵng) xuất hiện dày đặc. Đó là cách quảng bá một cách có đầu tư mà Huế cần học hỏi.

Khách Thái Lan khi đến Huế lâu nay, có hai điểm cốt lõi là Đại Nội và lăng Khải Định. Điểm lăng vua Khải Định đã bị bỏ ra khỏi các tour một thời gian, gần đây tiếp tục là Đại Nội. Việc giảm giá để cạnh tranh là điều khó tránh khỏi trong cơ chế thị trường như hiện nay. Tôi muốn nhấn mạnh lại là, nếu tỉnh xác định Thái Lan là thị trường trọng điểm cần đẩy mạnh khai thác thì cần có chương trình gì đó, chẳng hạn như tham quan Đại Nội kèm ưu đãi thêm tham quan lăng vua Khải Định. Khi khách đến cũng cần có những hoạt động gây ấn tượng, như tặng quà khi vào tham quan di sản để thúc đẩy quảng bá truyền miệng.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch: Sẽ đẩy mạnh quảng bá

Năm 2022, Thừa Thiên Huế đón khoảng 270 nghìn lượt khách quốc tế. Khách Thái Lan đứng đầu về thị phần, khoảng 13,2%, trở thành thị trường quan trọng hàng đầu nhờ chính sách mở cửa thông thoáng sau đại dịch COVID-19.

Qua trao đổi với một số các đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành, hiện nay việc bán sản phẩm tour du lịch đưa khách Thái Lan đến miền Trung tăng khá nhiều chi phí. Đồng thời, có sự cạnh tranh về giá cả giữa các đơn vị tổ chức  tour này, nên một số doanh nghiệp phải cắt giảm chi phí tổ chức để bán được tour đến miền Trung, cũng như đến Thừa Thiên Huế. Sở đang làm việc với tất cả các doanh nghiệp du lịch trong tỉnh, ngoài tỉnh và cả phía Thái Lan cùng mổ xẻ nguyên nhân và có những chính sách mới để khắc phục.

Sở Du Lịch và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ, để xây dựng thêm một số sản phẩm dịch vụ có tính tương tác cao. Phối hợp với TP. Huế triển khai các hình thức hỗ trợ du khách và cung cấp thông tin khi đến địa bàn các điểm tham quan di tích, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho du khách tham quan và trải nghiệm.

Ngành sẽ tăng cường quảng bá hình ảnh du lịch Cố đô đến thị trường Thái Lan và nhiều thị trường khác hiệu quả hơn. Ngành sẽ mời những người nổi tiếng ở Thái Lan về Huế để quay hình ảnh quảng bá. Tăng cường truyền thông quảng bá, cung cấp thông tin, hình ảnh về điểm đến, các hoạt động dịch vụ tại các điểm di tích đến công chúng, du khách và các đơn vị lữ hành, khách sạn...

Ông Lê Công Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế: Sẽ có thay đổi về dịch vụ trong hệ thống di sản

Nhận thấy hiện tượng bất thường khách Thái Lan ít vào tham quan Đại Nội hơn, trung tâm đã triển khai ngay phục dựng lại ngai vàng đặt ở lầu Ngũ Phụng để khách tham quan, tăng cường một số dịch vụ ngay khác. Nhưng phải thừa nhận rằng chưa đa dạng và chưa kịp thời, như ngai vàng cần khoảng 1 tháng nữa mới hoàn thành. Đây cũng là vấn đề cần được nhìn nhận để có những chủ động hơn trong thời gian đến. Cũng phải phân tích sâu hơn là, trung tâm là cơ quan Nhà nước nên khi phản ứng một vấn đề gì đó cần phải có thêm thời gian để xử lý theo đúng quy trình. Hai năm qua dịch bệnh khó khăn, các doanh nghiệp, đối tác khai thác dịch vụ trong di sản gặp khó khăn nên các dịch vụ có phần bị ảnh hưởng.

Trong thời gian đến, trung tâm cũng có một số giải pháp mới để thu hút khách. Cụ thể, tổ chức đón khách đầu năm và thường xuyên. Đưa các sản phẩm làng nghề, đặc trưng của Huế vào di tích để tạo bản sắc. Không chỉ bán các sản phẩm mà tổ chức các hoạt động trải nghiệm, khách sẽ tham gia làm ra sản phẩm…

Trung tâm cũng sẽ kêu gọi thêm các đối cùng khai thác dịch vụ. Kết nối với các doanh nghiệp khai thác các dịch vụ có tính chủ động về thời gian hơn khi khách có nhu cầu. Như mở cửa sớm hơn để khách vào thưởng trà, một vài trải nghiệm quay về cung đình xưa. Hay như buổi tối biểu diễn Nhã nhạc, kết hợp thưởng thức ẩm thực. Điều đáng mừng là hiện đã có những tour đăng ký đầu tiên.

Theo quy định, khai thác dịch vụ bên trong di tích vẫn sẽ theo hướng trung tâm tự thực hiện. Dù thế, trung tâm đang xây dựng chính sách hoa hồng cho các tour đưa khách đến. Đầu năm 2023 sẽ trình UBND tỉnh và hy vọng sẽ sớm triển khai sớm nhất có thể.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG