Ngược lên  Kim Long, xuôi về Vỹ Dạ, hay như những con đường hàng ngày đi qua như Thanh Hải, Lịch Đợi, Điện Biên Phủ, Bùi Thị Xuân, tôi vẫn thường bắt gặp ở đó những ngôi nhà kiểu cổ với hai gam màu chủ đạo vàng - nâu, cặp màu tạo nên ấn tượng về sự ấm áp mà nghiêm cung, bình yên mà tinh tế.

Từ miệt gió Lào cát trắng Quảng Trị, tôi lấy chồng, được vào sống giữa chốn đài trang. Xứ Huế đi đâu cũng dễ bắt gặp những khu vườn đẹp, những ngôi nhà thơm. Không cần len vào ngõ hẹp, ngay giữa tấp nập phố xá, thỉnh thoảng vẫn có một ngôi nhà sơn vàng vững chãi, đứng lặng im.

Tôi thường gọi những ngôi nhà có màu sơn vàng ấy là những ngôi nhà thơm. Mỗi lần đi, mỗi lần thấy, tôi lại chụp hình đăng lên Facebook. Tôi chú thích vào đó là nhà thơm một, nhà thơm hai. Quả thực, tôi không tìm được một cái tên nào mà mình thích hơn cái tên ngôi nhà thơm. Nhà kiểu cổ ư? Cổ thì rõ rồi, nhà ba gian, tường vàng, mái lợp ngói liệt thâm nâu, cửa sổ kiểu lá sách, nên còn gì mà bàn cãi nữa.

Tôi đặt ngôi nhà thơm vì tin rằng từ những ngôi nhà ấy luôn tỏa ra thứ hương thơm mà những ngôi nhà hiện đại không thể nào có được. Đó là mùi nhang trầm, mùi trà sớm, mùi hoa mộc, hoa nhài, mùi của sập gụ tủ bàn, mùi ấm áp, cũ kỹ tỏa ra từ những người già đang lấp ló bên trong. Những ngôi nhà xưa hẳn luôn gắn với người già. Chính họ chứ không ai khác đang gìn giữ nếp nhà.

Có lần, vì không cầm lòng được trước cảnh nắng sớm lấp ló, nhảy múa nhuộm vàng trên bức tường phía trước của một ngôi nhà, tôi đánh liều dừng xe, xin chủ nhà được vào tham quan bên trong. Tường vàng, mái ngói cổ kính, cửa gỗ loáng lên màu nước. Ngôi nhà lọt thỏm giữa khu vườn lang lớp tầng cây. Từ trong ra ngoài chan hòa ánh nắng.

Khác với sự nghiêm cẩn của bức bình phong khảm sành lừng lững trước mặt, những lối đi, khu vườn bên hông và đằng sau hiện ra xanh mướt. Để tạo sự hài hòa cho những không gian riêng biệt trên một khu đất rộng, chủ nhân đã thiết kế những lối quanh co, xen kẽ thêm nhiều bờ đá. Những viên đá tự nhiên có kích thước lớn ghé khít vào nhau làm bờ taluy giữ đất, ôm trọn những gốc cây to. Ở chỗ đất thấp, nó được đặt choãi ra để làm chỗ nghỉ chân cho người làm vườn. 

Khu vườn có một cây khế, hai cây hoa mộc, vài cây mít, một cây bồ kết và một cây me già, còn lại là những bệt cỏ và đám hoa ngâu được trồng làm bờ rào, chúng đang mùa trổ hoa. Ông lão chủ nhà nói: “Khu vườn này tự nó đã ẩn chứa những câu chuyện kể về sự hòa hợp giữa con người với thiên nhiên. Như các bụi ngâu này, chúng không những rất đẹp, rất thơm mà lá còn chữa được bệnh, hoa lại có thể sao khô làm trà”.

Ngoài khu vườn, các khu vực khác như hòn non bộ, bể cạn được đặt sau bức bình phong cũng được sắp xếp, thiết kế theo dạng chiều cao của công trình không lớn nhằm tạo nên một không gian mở, rộng về bề ngang, bốn mùa luôn đẫm gió trời và ánh sáng.

Đắm mình trong chốn không gian yên tĩnh, cổ kính, non xanh, tôi chụp vài bức hình góc rộng tải lên mạng, gửi thêm cho đứa bạn thân. Bạn cứ xuýt xoa. Bạn bảo, xứ Huế sống chậm, người Huế ăn hương mặc hoa. Bạn cũng đồng ý với tôi về cách đặt tên cho những ngôi nhà có sơn tường màu vàng, mái ngói màu nâu thấp thoáng giữa vườn xanh là “những ngôi nhà thơm trong lòng thành Huế”.

Bạn ước mong một ngày nào đó, tự tay mình cũng xây được một ngôi nhà có linh hồn và biết cách tỏa ra hương thơm. Những hương thơm khiến cho người lữ khách qua đường đôi khi phải đánh liều dừng xe lại, xin phép đi vào bên trong để thưởng lãm, để lắng đọng, cùng nhau trò chuyện về những nắng mưa, hoa cỏ, về tình người.

Diệu Thông