PGS. TS Nguyễn Đình Sơn |
PGS. TS Nguyễn Đình Sơn, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết, sau khi nhận được sự chỉ đạo của Bộ Y tế, chúng tôi đã tham mưu lãnh đạo Sở Y tế triển khai công tác phòng, chống khi dịch xuất hiện. Sở Y tế đã gởi công văn đến các ban, ngành liên quan, như Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch, Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài, cảng biển Chân Mây... tiến hành kiểm tra và khai báo tất cả các khách du lịch đi từ Trung Đông và Hàn Quốc đến để có hướng giám sát, cách ly, khu trú khi có trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để dập dịch từ đầu. Sở Y tế phối hợp với ban, ngành, đơn vị tuyên truyền đến mọi người dân về cách phòng dịch và khuyến cáo người dân không nên du lịch hoặc làm ăn ở Trung Đông trong thời gian này và cần hạn chế đến Hàn Quốc. Sở chỉ đạo các trung tâm y tế dự phòng, bệnh viện các huyện, thành phố, thị xã chuẩn bị đầy đủ nguồn nhân, vật lực, tiến hành tập huấn, đào tạo kỹ năng cho các đội y tế dự phòng tuyến tỉnh, huyện và cán bộ y tế xã phường, trang cấp đầy đủ thiết bị máy móc, thuốc men... đủ điều kiện giám sát, xử lý khi dịch xảy ra.
Ngoài những thuận lợi theo kế hoạch triển khai, theo ông hiện nay Thừa Thiên Huế gặp những khó khăn, bất cập trong phòng chống dịch MERS–CoV?
Tôi nghĩ chưa gặp khó khăn hay bất cập. Thừa Thiên Huế là một địa phương có kinh nghiệm phòng, chống bệnh từ xa khá tốt. Vì thế, lâu nay trên địa bàn đã khống chế, chưa để dịch bệnh nguy hiểm xảy ra. Tuy nhiên không chủ quan vì dịch MERS-CoV là hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông do vi rút Corona rất nguy hiểm, lây lan nhanh và tỷ lệ tử vong chiếm 40%. Do vậy, các ban, ngành, đơn vị cần phối kết hợp chặt chẽ để kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn dịch ngay từ đầu; đặc biệt quan tâm những khách du lịch đi theo tour, tuyến nội địa. Phải liên hệ với Cục Y tế dự phòng, ban ngành đơn vị chức năng tại các thành phố lớn, như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh để nắm bắt thông tin về số khách khi đến Thừa Thiên Huế là từ đâu, quốc tịch nào... nhằm chủ động kiểm tra, giám sát dịch.
Với những nguy hiểm khó lường của dịch MER–CoV hiện nay, liệu cơ sở, thiết bị máy móc y tế ở địa phương đủ đáp ứng trong việc phòng chống?
Cơ bản ổn vì Thừa Thiên Huế đã có “nền” từ các trung tâm, phòng ốc trang thiết bị máy móc chủ động phòng, chống các dịch bệnh từ những năm trước, như dịch bệnh Ebola từ năm 2013. Sở Y tế đã phê duyệt mua 2 máy đo thân nhiệt đặt tại sân bay Phú Bài và cảng Chân Mây giám sát du khách khi vào địa bàn Thừa Thiên Huế. Điều không lo ngại là Thừa Thiên Huế có Bệnh viện TW Huế, Bệnh viên Đại học Y dược... là những cơ sở y tế chuyên sâu với đội ngũ cán bộ giàu kinh nghiệm, cơ sở hạ tầng, máy móc trang thiết bị hiện đại, phòng ốc cách ly, thuốc, hóa chất... để điều trị khi có dịch MERS-CoV xảy ra.
Xin cám ơn ông!