Học sinh Trường tiểu học Phú Mậu tham quan khu di tích nhà lưu niệm Nguyễn Chí Diểu
Đọc sách giữa lòng di sản
Tôi nhận được cuộc điện thoại của Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Quốc Toản, anh bảo, qua ngay nhé, qua để xem học sinh trường anh đọc sách giữa lòng di sản, các em thích lắm. Tôi đến và khá bất ngờ khi trên bãi đất trống trước khu vực Tam Tòa, nhiều cô cậu học trò chăm chú đọc sách, tìm hiểu về di sản Huế. Cái hay ở chỗ là kiến thức các em dung nạp được thiết kế trên những thẻ đọc, to hơn lòng bàn tay, nội dung súc tích và trình bày đẹp mắt, tạo hiệu ứng tốt đối với độc giả nhí. Cô bé Lan Phương, học sinh lớp 5 Trường tiểu học Trần Quốc Toản chia sẻ, em rất thích đọc sách trên thẻ đọc hơn là cầm cuốn sách dày cả trăm trang để đọc. Kiến thức về Huế nhẹ nhàng, dễ hiểu và gần gũi. Sau khi đọc sách, em tự tin chia sẻ về những gì đọc được cho các bạn nghe để nhớ lâu hơn.
Nhớ cách đây không lâu, một người bạn có con học Trường tiểu học Lý Thường Kiệt hào hứng kể, cậu con trai học lớp 5 nhà chị đã được đi tham quan các địa chỉ văn hóa - lịch sử, như: Nhà lưu niệm nhà thơ Tố Hữu, Nhà lưu niệm đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Hổ Quyền, Voi Ré, làng Thủy Biều... Trước khi ghé thăm Nhà lưu niệm nhà thơ Tố Hữu, con chị được đọc các bài thơ “Lượm”, “Bầm ơi”, “Tiếng chổi tre”... trên trang tin của “Sách và ước mơ”. Vì thế, khi được đứng trong ngôi nhà lưu giữ những kỷ vật gắn với cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của nhà thơ Tố Hữu, các em rất thích thú và tự hào.
Còn ở Trường tiểu học Phú Hải (Phú Vang, Thừa Thiên Huế), nhà trường chọn điểm dừng chân tại tháp Phú Diên để tổ chức trải nghiệm đọc trong không gian văn hóa Huế. Trước khi đến đây, trong bộ thẻ đọc, các em đã biết đến “Tháp Chăm cổ Phú Diên” và “Những địa danh nổi tiếng ở Phú Vang” nên rất dễ tiếp cận. Đó là lúc học sinh có cơ hội sử dụng tối đa các giác quan trong việc tiếp nhận, chuyển hóa thông tin và biểu đạt. Các em có cơ hội vận dụng kiến thức đã học để giải quyết những vấn đề trong thực tiễn hằng ngày.
TS. Trần Thị Quỳnh Nga, Phó Trưởng khoa Giáo dục tiểu học, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) nhấn mạnh, trải nghiệm đọc trong không gian văn hóa Huế vốn là dự án nhỏ được khởi tạo bởi những người luôn khát khao lan tỏa văn hóa đọc cho trẻ thơ. Nét mới của chương trình là kiến tạo các nhóm đọc theo 4 chủ đề: “Những con đường xứ Huế”, “Dòng sông kể chuyện”, “Chuyện một khu vườn nhỏ”, “Đi theo làn điệu dân ca”. Dấu ấn của các chương trình là sự kết nối chặt chẽ của giáo viên - học sinh - phụ huynh trong đọc và trải nghiệm.
Linh hoạt chương trình giáo dục địa phương
Chúng tôi có dịp tham dự một buổi trải nghiệm tham quan và tập làm hoa giấy tại nhà nghệ nhân Nguyễn Hóa ở làng Thanh Tiên, do cô giáo Nguyễn Thị Mỹ Nhung dẫn dắt. Công việc cuối năm bận rộn, nhưng ông Hóa vẫn dành cho các em những tình cảm đặc biệt. Ông chuẩn bị sẵn những cánh hoa, cành hoa và tận tình chỉ dẫn cho các em cách bôi hồ, làm hoa lẻ, ráp cành… Ông cũng tranh thủ giới thiệu về lịch sử 300 năm nghề hoa giấy và vui vẻ trả lời những câu hỏi thắc mắc của cô và trò. Ông Hóa cho biết, cơ sở làm hoa giấy của ông luôn đón khách du lịch và học sinh. Làm việc với các em hiếu động và khéo tay, ông vui lắm và mong muốn qua các em, bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống này.
Trong câu chuyện với chúng tôi, thầy giáo Hiệu trưởng Nguyễn Tự Khánh, Trường tiểu học Phú Mậu 1 tự hào về vùng đất Phú Mậu, nơi có làng hoa giấy Thanh Tiên, hoa tươi Tiên Nộn, có tranh và hội vật làng Sình nổi tiếng. Tuy nhiên, thầy Khánh không vui bởi không phải học sinh nào của nhà trường cũng biết và hiểu rõ giá trị những “đặc sản” này của quê hương. Thầy bảo, có thể hằng ngày các em đều đi qua, được “chộ” di tích hay thắng cảnh, nhưng không biết đó là gì. Cũng theo lời thầy Khánh, nhiều học sinh ở thôn Lại Tân, vùng tái định cư của xã, chỉ cách vài cây số lại không hề biết quê mình có làng hoa giấy, hay cả khu di tích lưu niệm đồng chí Nguyễn Chí Diểu nổi tiếng kia!
Chương trình giáo dục phổ thông mới được áp dụng cho bậc trung học phổ thông từ năm học 2022 - 2023 đã đề tên giáo dục địa phương là 1 trong số 7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, chiếm tới 20% thời lượng nội dung và là chương trình chính khóa. Tuy đã chuẩn bị khá kỹ càng, nhưng việc xác định nội dung giáo dục địa phương có vị trí tương đương các môn học khác với các trường học ở Thừa Thiên Huế vẫn là một áp lực.
Theo cô Đào Thị Hường, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Phú Hải (Phú Vang), đổi mới chương trình, sách giáo khoa một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của mục tiêu giáo dục văn hóa địa phương thông qua các môn học, đặc biệt là qua các hoạt động trải nghiệm sinh động, hấp dẫn. Thừa Thiên Huế với thiên nhiên thơ mộng, lăng tẩm, đền đài cổ kính và bề dày văn hóa là điều kiện thuận lợi để thiết kế và tổ chức các hoạt động trải nghiệm, giúp học sinh khám phá vẻ đẹp cảnh quan, môi trường cũng như các giá trị văn hóa biểu hiện trên dấu tích của thơ ca, trò chơi dân gian hay tổ hợp phong phú sản phẩm làng nghề truyền thống.
Theo ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT, vấn đề là cần sự chung tay của người dân và phụ huynh để đem lại hiệu quả giáo dục toàn diện. Xây dựng chương trình hướng đến học sinh đòi hỏi phải chú trọng tập huấn đội ngũ giáo viên có khả năng khắc sâu, hình thành cho học sinh hiểu biết về văn hóa địa phương. Trong chương trình giáo dục địa phương không chỉ của địa phương tỉnh ban hành mà cần nhiều bài học gắn với thực tiễn. Các trường cần hướng đến tích hợp các môn học trong giáo dục địa phương.
Bài, ảnh: Huế Thu