EU đã lên kế hoạch làm trung gian đàm phán vào ngày 10/6 sắp tới nhằm tiến tới một thỏa thuận cho các cuộc bầu cử sớm ở Macedonia, chấm dứt bế tắc sau hàng loạt các tiết lộ nghe lén điện thoại gây hại đối với chính phủ.

Trước ngày 5/6, ông Zaev cho biết sẽ không tham dự cuộc họp và nói rằng nhận xét của Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề mở rộng và chính sách láng giềng Johannes Hahn, người làm trung gian hòa giải cho các cuộc đàm phán, chứa đựng "các yếu tố thiên vị".

Ông đã chỉ ra một nhận xét của Hahn ở Washington, trong đó cho thấy một báo cáo của các nhà giám sát bầu cử về cuộc bầu cử quốc hội vừa rồi của Macedonia vào năm 2014 nói chung là "một báo cáo tích cực".

Ông Zaev không đồng ý với đánh giá này và cho rằng ý kiến ​​như vậy là "không phù hợp" trước cuộc họp ngày 10/6, khi một trong những vấn đề nổi bật chính là làm thế nào để tổ chức các cuộc bầu cử sớm dự kiến ​​vào cuối tháng 4/2016.

Ủy ban châu Âu sau đó đã ban hành một tuyên bố nói rằng Hahn và Zaev đã nói chuyện qua điện thoại và "làm sáng tỏ vấn đề". Tuyên bố cho biết, ông Hahn đã lặp lại những nhận xét của các nhà giám sát bầu cử từ OSCE, trong đó bao gồm "một số mối quan ngại nghiêm trọng" về cuộc bầu cử. Phe đối lập cho rằng, cuộc bầu cử là gian lận và đã bị quốc hội tẩy chay từ đó.

Đảng Dân chủ Xã hội của ông Zaev sau đó đã ban hành tuyên bố riêng của mình và nói rằng, Ủy ban đã xác nhận cuộc họp Brussels sẽ xem xét việc "tổ chức một chính phủ để chuẩn bị cho các cuộc bầu cử".

Những tuyên bố gửi đến phương tiện truyền thông không đề cập đến một chính phủ mới, một trong những nhu cầu chính của phe đối lập. Nhưng đảng Dân chủ Xã hội vẫn cho biết họ đã "mở ra cơ hội để tổ chức các cuộc họp dự kiến ​​cho ngày 10/6 tại Brussels."

Bảo Nghi (lược dịch từ Reuters)