Việt Nam đã và đang phục hồi rất mạnh mẽ sau tác động của đại dịch COVID-19, là tấm gương cho các nước khác. Ảnh minh họa: hanoimoi.com.vn/Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Trong bối cảnh các thị trường mới nổi khác đã và đang tìm cách phục hồi sau thiệt hại do đại dịch COVID-19 gây ra, nhiều nhà lãnh đạo thế giới đang tìm cách “bắt chước”  mô hình của Việt Nam.

Nhìn chung, những nỗ lực cải cách trước đây đã giúp Việt Nam tận dụng lợi thế của một bước ngoặt tình cờ trong chính trị quốc tế.

Về các thành quả Việt Nam đạt được, thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong năm 2022 rất ấn tượng. Điều này được thể hiện rõ nhất khi ít nhất 11 công ty Đài Loan trong chuỗi cung ứng của Apple đã chuyển đến thị trường Việt Nam và các cuộc đàm phán đang được tiến hành để tăng sản lượng máy tính bảng và điện thoại thông minh.

Lego cũng đã mở một nhà máy trị giá 1 tỷ USD tại Bình Dương, nơi sẽ đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường tiên tiến để đạt được lượng khí thải Carbon trung tính.

Các nhà đầu tư nước ngoài hiện tại của Việt Nam, chẳng hạn như Samsung và Intel đã tăng cường và mở rộng hoạt động tại đất nước. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam tăng 15% so với cùng kỳ năm 2021, thể hiện ở việc có thêm 1.570 dự án mới trị giá 9,9 tỷ USD, cùng lúc tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 5,7% lên 58,3 tỷ USD.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự đoán, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam sẽ đạt mức cao, với mức dự báo được hai tổ chức dự đoán lần lượt là 7% và 6,5% vào năm 2022.

Việt Nam đã cố gắng giảm thiểu đáng kể các đợt bùng phát COVID-19 thông qua các chiến lược phòng ngừa và tiêm chủng, đồng thời duy trì sức sống kinh tế vững mạnh. Như Nikkei Asia đã lưu ý khi xếp hạng Việt Nam trong số 10 quốc gia hàng đầu trên toàn thế giới về quản lý đại dịch COVID-19, Việt Nam có vị trí tốt để tiếp nhận nhiều hơn các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Nỗ lực chống tham nhũng giúp nâng cao khả năng quản lý đầu tư

Năm 2019, vẫn chưa rõ liệu Việt Nam có thể xử lý các dòng hoạt động đầu tư mới hay không, bởi cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực được coi là không phù hợp. Tuy nhiên, hiện Việt Nam đã chứng tỏ được vị thế tốt hơn mong đợi, được hỗ trợ bởi những nỗ lực cải cách có tư duy tiến bộ của các nhà lãnh đạo.

Đầu tư vào lao động và kỹ năng

Các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam cũng đã tập trung vào việc cải thiện nguồn nhân lực.

Cụ thể, Luật sửa đổi Giáo dục Đại học năm 2018 và Luật Lao động năm 2019 đã đặc biệt nhấn mạnh về mục tiêu cải thiện nguồn nhân lực. Mặc dù lương thấp và trình độ văn hóa cao thu hút các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, song các doanh nghiệp nước ngoài thường phàn nàn rằng người lao động Việt Nam thiếu một số kỹ năng cụ thể và khó giữ chân người lao động có kỹ năng.

Theo khảo sát PCI 2021, khi đánh giá về giá trị của các chương trình đào tạo kỹ thuật và nghiệp vụ tại Việt Nam, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hiện đã lạc quan hơn về khả năng cải thiện nguồn nhân lực trong tương lai của đất nước. Xếp hạng của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài về chất lượng lao động địa phương được cải thiện vững chắc ở cả giáo dục phổ thông và dạy nghề.

Mở rộng và nâng cấp cơ sở hạ tầng để cải thiện khả năng “hấp thụ” đầu tư cũng là một mục tiêu của các nhà hoạch định chính sách Việt Nam. Báo cáo PCI 2018 cho thấy, cơ sở hạ tầng của Việt Nam không phải là lợi thế so sánh để các doanh nghiệp nước ngoài lựa chọn địa điểm đầu tư.

Mặc dù vậy, trên thang điểm 6, đánh giá của các nhà đầu tư đã tăng vọt trong năm 2017 và 2021 về chất lượng đường bộ (từ 3,72 lên 4,44), kết nối cảng với đường cao tốc (từ 4,02 lên 4,49) và kết nối đường sắt - đường cao tốc (từ 3,97 lên 4,41). Các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp điện tử công nghệ cao thậm chí còn có nhận thức và sự am hiểu tốt hơn trong tất cả các hạng mục cơ sở hạ tầng.

Nhìn chung, câu chuyện thành công của Việt Nam sau đại dịch COVID-19 cho thấy cách các quốc gia có thể tạo dựng vận may thông qua tiến bộ ngày càng tăng và nỗ lực làm việc trên các yếu tố cơ bản để thúc đẩy năng suất của nhà đầu tư.

Đan Lê (Lược dịch từ CNA)