Cao tốc La Sơn - Túy Loan rút ngắn khoảng cách vùng, miền

Kết nối liên hoàn

Ba giờ chiều, từ huyện Nam Đông trở lại Huế, bạn tôi tự hào nhìn ngắm cao tốc La Sơn - Túy Loan như những cánh cung tuyệt đẹp uốn lượn giữa những vạt rừng xanh. Con đường mới vừa đi vào sử dụng đến nay gần một năm mà người dân trong khu vực cứ ngỡ là mơ. Ông Nguyễn Văn Lẹ (thị trấn Khe Tre, Nam Đông) trải lòng: “Sống ở đây hơn 30 năm, tôi chưa bao giờ nghĩ vùng quê mình hình thành con đường lớn, đẹp như thế”.

Cũng gần 10 năm xây dựng, cao tốc La Sơn - Túy Loan nối Huế vào Đà Nẵng đi qua huyện Nam Đông hơn 36km, chính ông Trần Quốc Phụng, Chủ tịch UBND huyện này xem đó là công trình kỳ tích. Kỳ tích là bởi từ khi nó ra đời đã xóa đi bao ký ức buồn một thời của Nam Đông được xem là “rừng thiêng, nước độc”.

Giờ đây ai cũng rõ, thậm chí với những người buôn bán qua lại Nam Đông đều biết, hàng hóa nông - lâm sản ở huyện vùng núi này trao đổi đi về các tỉnh, thành phố bây giờ nhanh hơn, giá thành hạ, sức cạnh tranh nhờ đó gia tăng. Đồng thời, mở ra cơ hội thu hút các nhà đầu tư trong, ngoài nước phát triển kinh tế, du lịch ở địa phương này.

“Cao tốc La Sơn - Túy Loan ra đời không chỉ là bệ phóng cho Nam Đông, mà đặc biệt quan trọng giúp giao thông Thừa Thiên Huế kết nối liên hoàn và đánh dấu bước chuyển mình của vùng đất phía tây nam tỉnh nhà có cơ hội hình thành những khu “phố núi” và tiểu vùng khu công, nông nghiệp...

Cùng với cao tốc La Sơn - Túy Loan, hiện nay hơn 63km đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn đi qua Thừa Thiên Huế đã cán đích, chuẩn bị thông xe kỹ thuật vào quý I/2023 kết nối vào hệ thống cao tốc ở các tỉnh miền Trung, đưa Huế gần hơn với hai đầu đất nước.

Bên cạnh những cao tốc, QL49A, QL49B đã nối từ TP. Huế lên phía tây miền núi A Lưới và xuôi về phía đông vùng biển; nhiều tuyến nay đã, đang chạy theo trục ngang, dọc kết nối liên vùng vào trung tâm TP. Huế... Mới đây, người dân TP. Huế, huyện Phú Vang, Phú Lộc... rất vui khi QL49B từ Thuận An (TP. Huế) đến Vinh Hiền qua cầu Tư Hiền - nối QL1A (Phú Lộc) dài hơn 48km được đầu tư nâng cấp, mở rộng với kinh phí hơn 761 tỷ đồng đã hoàn thiện. Cung đường này chia sẻ bớt lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trên QL1A, cũng như rút ngắn khoảng cách từ TP. Huế xuôi về vùng xa và ngược lại.

Ở cửa ngõ phía bắc của tỉnh, tuyến đường Phong Điền - Điền Lộc có điểm đầu nối QL1A đi qua thị trấn Phong Điền, điểm cuối đến biển Điền Lộc (Phong Điền) dài 16,5km, tổng vốn đầu tư hơn 671 tỷ đồng. Hiện nay những đoạn đã làm xong qua thị trấn Phong Điền, Phong Chương... tạo diện mạo mới về hạ tầng cho các địa phương, kết nối KCN Phong Điền, nhà máy xi măng Đồng Lâm... Tuyến này đưa vào sử dụng chia sẻ bớt lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trên Tỉnh lộ (TL) 6 qua trung tâm Phong Điền và muốn về các xã Ngũ Điền (Phong Điền) cũng được rút ngắn thời gian đáng kể do khỏi đi đường vòng ra Mỹ Chánh (Quảng Trị). Đây là tuyến tạo động lực để sớm quy hoạch xây dựng cảng biển chuyên dụng Điền Lộc (Phong Điền).

Thêm động lực tăng trưởng

Hầu hết các tuyến đường đã, đang thi công đều có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển khác nhau của từng vùng, miền. Tuyến đường giúp phát triển du lịch, tuyến thì phát triển công, nông nghiệp hay góp phần để lưu thông hàng hóa liên vùng, liên tỉnh.

Hiện nay Thừa Thiên Huế đang đầu tư nâng cấp, mở rộng nhiều tuyến đường tỉnh hiện hữu và một số tuyến kết nối từ TP. Huế đến các huyện, thị, như đường Tây phá Tam Giang, Phú Mỹ - Thuận An; Chợ Mai - Tân Mỹ...

Thêm niềm vui cho người dân xứ Huế là tuyến ven biển từ Phong Điền đến Phú Lộc dài gần 127km đã khởi công giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng; trong đó xây cầu vượt biển Thuận An dài hơn 2,3km (nối xã Hải Dương với phường Thuận An). Tuyến này được xem là “siêu dự án”, là “con đường vàng” bởi khi hoàn thiện nó sẽ tạo ra nhiều quỹ đất lợi thế hai bên để quy hoạch phát triển tiềm năng du lịch, các đô thị biển và thuận lợi kết nối với mạng lưới giao thông từng địa phương, tạo thêm nhiều động lực mới cho Thừa Thiên Huế “cất cánh” cao hơn.

Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải chia sẻ, với những công trình giao thông mở lối và các khu kinh tế, khu công nghiệp (KKT, KCN) trên địa bàn từng bước quy hoạch mở rộng, hẳn thời gian không xa nữa động lực tăng trưởng của tỉnh sẽ gia tăng khi các nhà đầu tư đổ vốn để tận dụng lợi thế từ hệ thống hạ tầng.

Với góc nhìn của các nhà chuyên môn, hiện trạng các KKT, KCN đã nâng tầm so với thập niên trước đây thì mạng lưới giao thông đường bộ đến năm 2025 ở địa phương hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Do đó, hệ thống giao thông nội tỉnh, nhất là các tuyến đường tỉnh cần được nghiên cứu mở mới thêm tuyến; đồng thời tăng quy mô các tuyến đường hiện hữu, là cơ sở để đáp ứng phát triển hạ tầng giao thông kết nối liên vùng trong tương lai.

Từ thực tế đó, mới đây UBND tỉnh đã chấp thuận đề xuất của ban, ngành chức năng điều chỉnh một số dự án phù hợp để sớm triển khai đúng lộ trình và tiến độ trong giai đoạn 2021-2025 với gần 20 DA. Trước mắt, ngoài tuyến “đường vàng” ven biển, sẽ xây dựng đường Tố Hữu nối dài 10,26km đến sân bay Phú Bài; cầu Nguyễn Hoàng qua sông Hương; đường Vành đai 3 kết nối từ TX. Hương Trà vào TP. Huế; nâng cấp mở rộng TL 15 (đoạn từ đường tránh Huế đến giáp ranh KCN Phú Bài, giai đoạn IV) và TL16 nối Tứ Hạ - Bình Điền; TL12B Kim Long - Linh Mụ; TL1 Trường Chinh - Thủy Thanh; đường Mỹ An - Thuận An; Thuận Hóa nối dài... Đây là những dự án được ưu tiên, kết nối liên vùng cùng với mạng lưới giao thông đối ngoại phù hợp yêu cầu phát triển ở địa phương.

Bài, ảnh: Minh Văn