Bình yên trên phá Tam Giang. Ảnh: Bảo Phước

Chuyện xảy ra vào một đêm tháng năm trên phá Tam Giang thuộc địa bàn Vịnh Sịa, Quảng Điền do anh Võ Đà lúc đó là Trưởng Công an thị trấn Sịa kể lại. Tổ tuần tra liên ngành gồm Công an, Nông nghiệp và các lực lượng địa phương phát hiện 2 ghe máy Cole do hai đối tượng từ Phú Thượng, Phú Vang (nay là TP. Huế) sử dụng xung điện để đánh bắt hải sản. Nhận thấy lực lượng truy bắt, đối tượng nổ máy vòng lại rồi tăng tốc, phóng thẳng với vận tốc lớn, pha đèn vào mặt lực lượng. Ba phát súng chỉ thiên nổ vang, yêu cầu đối tượng dừng lại nhưng chúng vẫn hung hãn lao vào ghe của lực lượng liên ngành; đồng thời liều lĩnh nhấc bổng cần “chân vịt” đánh vào người thi hành công vụ, chúng dùng loại dao cắt lưới tấn công làm một đồng chí bị thương ở phần lưng. Cuộc chiến diễn ra gay cấn như một đoạn phim hành động và kết cục cả hai đối tượng sa lưới pháp luật. Sự việc trên đã xảy ra hơn mười năm trước, nhưng đến nay nạn dùng xung điện và các phương tiện khai thác hủy diệt vẫn diễn ra ngày càng trắng trợn như thể là thách thức pháp luât.

Trước vấn nạn và bức xúc của người dân, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, trong đó có Kế hoạch 101/KH-UBND ngày 13/4/2020 về việc tổ chức hoạt động tuần tra, bắt giữ, xử lý tàu giã cào xâm hại vùng biển ven bờ tỉnh Thừa Thiên Huế, trong đó có đề cập đến hoạt động khai thác hủy diệt trên đầm phá. Các sở chuyên ngành cũng đã có các văn bản chỉ đạo cho các địa phương chấn chỉnh tình trạng này. Tuy nhiên, công tác đấu tranh với nạn khai thác hủy diệt  trên đầm phá vẫn chưa có cơ quan đầu mối chủ trì để thực hiện một cách bài bản, quyết liệt và đồng bộ trên toàn tỉnh.

Chính quyền các địa phương ven biển, đầm phá đã thành lập các tổ liên ngành tổ chức mật phục, tăng cường kiểm tra, xử lý. Công an các huyện đã thành lập tổ công tác, hướng dẫn nghiệp vụ cho các địa phương thành lập tổ tự quản về an ninh trật tự trên vùng đầm phá Tam Giang – Cầu hai, thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh của người dân, tiến hành truy bắt, xử lý theo quy định. Nhiều xã đã kiện toàn các chi hội nghề cá, tổ chức tuyên truyền, vận động người dân thực hiện công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Rà soát các đối tượng có phương tiện, dụng cụ khai thác thủy sản hủy diệt để yêu cầu tháo dỡ phương tiện và ký cam kết không tái phạm. Tuy nhiên, công tác này còn gặp nhiều khó khăn do các đối tượng vi phạm chủ yếu từ các địa phương khác, huyện này đến địa bàn huyện khác hoạt động nên khó quản lý. Chưa có sự chỉ đạo và phối hợp đồng bộ giữa các huyện, thị, thành nên khó khăn trong đấu tranh, ngăn chặn. Đối tượng vi phạm ngày càng manh động, côn đồ, liều lĩnh, sẵn sàng chống trả lực lượng truy bắt. Địa bàn đầm phá rộng lớn, ghe thuyền, phương tiện thực thi công vụ chưa đủ sức để trấn áp đối tượng. Chỉ tính riêng ba năm từ 2019 đến 2022, đã có 59 vụ khai thác thủy sản trái phép trên địa bàn một huyện là Quảng Điền bị phát hiện xử lý. Nếu nhân lên trên địa bàn các địa phương ven biển, đầm phá của tỉnh thì số vụ vi phạm cũng có thể là con số hàng trăm vụ.

Như vậy vấn đề là cần có một tổ chức đầu mối chủ trì, thống nhất chỉ đạo từ tỉnh, huyện đến xã và cộng đồng dân cư trên cơ sở xây dựng kế hoạch cụ thể, phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng, tiến hành chặt chẽ, bài bản, quyết liệt, kiên trì ra quân trên toàn tỉnh mới dứt điểm tình trạng “đánh chỗ này chúng lại chạy sang chỗ khác”. Hệ thống chính trị của chúng ta phủ khắp và vươn tới địa bàn dân cư vì vậy không khó để rà soát, lập danh sách các đối tượng cần kiểm tra, cam kết, xử lý và quản lý nhằm ngăn chặn hành vi coi thường kỷ cương phép nước. Các tổ tự quản, tổ bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chi hội nghề cá là các lực lượng cơ sở cần được kiện toàn, tổ chức, sắp xếp, giao quyền quản lý rừng ngập mặn, quản lý khai thác mặt nước và tạo các điều kiện để họ tự đứng ra bảo vệ nguồn lợi thủy sản và bình yên cho cuộc sống của chính mình.

Chuyện cá tôm dồi dào của đầm phá Tam Giang – Cầu Hai bây giờ chỉ là ký ức. Biến đổi khí hậu, việc xả thải tùy tiện, phát triển nuôi trồng ồ ạt, đánh bắt hủy diệt nói trên sẽ là mối đe dọa đời sống của hơn 300.000 người dân 5 huyện, thành phố sống nhờ vào đầm phá. Với họ, đầm phá là nguồn sống trong ký ức, bây giờ và cả tương lai. Hơn lúc nào hết cần một sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt để hôm nay và mai kia, đầm phá ấy vẫn chở che cho những phận đời.

HOÀNG ĐĂNG KHOA