Một phụ nữ lớn tuổi được tiêm vaccine COVID-19 ở Đan Trại thuộc tỉnh Quý Châu, phía tây nam Trung Quốc - Ảnh: AFP

Sáng kiến này là một phần trong nỗ lực của ủy viên châu Âu phụ trách y tế và an toàn thực phẩm - bà Stella Kyriakides, nhằm đưa ra phản ứng của châu Âu trước viễn cảnh làn sóng lây nhiễm mới, sau khi Trung Quốc chấm dứt các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt.

"Ủy viên Kyriakides đã liên hệ với những người đồng cấp Trung Quốc của bà ấy để thể hiện sự đoàn kết và đề nghị hỗ trợ, bao gồm cả về y tế công cũng như thông qua việc tài trợ vaccine có điều chỉnh theo biến thể của EU" - một nguồn tin quan chức EU nói, đồng thời cho biết Bắc Kinh vẫn chưa trả lời đề nghị này.

Cho tới nay, Trung Quốc vẫn dựa vào vaccine Sinovac và Sinopharm sản xuất trong nước và vẫn chưa triển khai vắc xin phương Tây sử dụng công nghệ mRNA trên quy mô lớn.

Vào cuối tháng 12-2021, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo Trung Quốc hiện chưa đủ độ bao phủ vaccine.

Các loại vaccine nội địa của Trung Quốc cần tiêm đủ 3 liều để giúp nhóm đối tượng dễ tổn thương tránh mắc bệnh nặng. Tiến sĩ Mike Ryan, người đứng đầu bộ phận y tế khẩn cấp của WHO, e ngại Trung Quốc sẽ khó lòng có đủ vắc xin cho dân số của mình.

Theo dữ liệu của WHO, mới có 40% người trên 80 tuổi ở Trung Quốc đã tiêm đủ ba liều.

Trong khi đó, các quốc gia EU có lượng dự trữ dư thừa do các đơn đặt hàng vaccine theo hợp đồng dài hạn với các nhà sản xuất. Các quan chức EU cho biết nguồn hàng này có thể được chuyển đến Trung Quốc.

Hôm 1-1, phái đoàn của Trung Quốc tại EU đã nhấn mạnh rằng nước này có phạm vi tiêm chủng tốt. "Hơn 3,4 tỉ liều vaccine COVID-19 đã được sử dụng ở Trung Quốc đại lục, với hơn 90% dân số được tiêm chủng đầy đủ và hơn 92% dân số được tiêm ít nhất một liều", phía Trung Quốc cho biết.

Theo Tuổi trẻ Online