Dự án nâng cấp đường Tố Hữu cơ bản đã hoàn thành. Ảnh: MC

Tập trung cho các dự án trọng điểm

Trên hầu hết các công trình dự án trọng điểm của tỉnh, các đơn vị thi công cho đến từng công nhân đang nỗ lực chạy đua với thời gian để đẩy nhanh tiến độ thi công trên từng hạng mục công trình. Cùng với đó, các ngành, chủ đầu tư, các nhà thầu cũng phối hợp với các đơn vị tập trung thực hiện các thủ tục liên quan nhằm đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn. Tất cả đang phấn đấu hoàn thiện công việc trước tiến độ không chỉ để đạt được kế hoạch đề ra mà còn là để góp phần tạo cú hích trong tăng trưởng kinh tế những năm tiếp theo.

Một trong những dự án trọng điểm có quy mô lớn đã huy động được sự tham gia tổng lực không chỉ của chủ đầu tư, chính quyền các sở, ngành mà còn sự đồng hành của người dân chính là chương trình di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I Kinh thành Huế. Dự án được kỳ vọng góp phần đẩy nhanh công tác chỉnh trang đô thị di sản và ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội cho các hộ dân đang sinh sống tại các khu vực thuộc di tích Kinh thành Huế. Ngoài ra, còn giúp công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích Cố đô Huế triển khai hiệu quả hơn và góp phần cải tạo cảnh quan môi trường thiên nhiên vùng di tích, tôn tạo cảnh quan văn hóa, kiến trúc di sản đô thị Huế. Có mức độ, phạm vi ảnh hưởng lớn với số hộ phải tái định cư khoảng 4.976 hộ dân, gồm 2.221 hộ chính, 2.755 hộ phụ. Theo đại diện Ban quản lý dự án, đến nay đã phê duyệt 4.067 hộ (2.001 hộ chính, 2.066 hộ phụ) với số tiền 1.604 tỷ đồng; số hộ đã phê duyệt và nhận tiền là 3.273 hộ (1.344 hộ chính, 1.929 hộ phụ), còn lại chưa nhận tiền 794 hộ (657 hộ chính, 137 hộ phụ). Dự án cũng đã thực hiện thủ tục giải ngân 1.593/1.880 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 84,7%. UBND TP. Huế khẩn trương, tập trung đẩy nhanh tiến độ phê duyệt, giải ngân số tiền còn lại theo quy định để đẩy nhanh tiến độ dự án.

Theo sát chỉ đạo tiến độ các dự án

Một dự án khác có quy mô và phạm vi không kém, hứa hẹn khi hoàn thành sẽ tạo sức bật cho kinh tế Thừa Thiên Huế là dự án Chương trình phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) - tiểu dự án Thừa Thiên Huế. Dự án có tổng mức đầu tư 1.617 tỷ đồng. Hiện, dự án đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu và tổ chức thi công toàn bộ 10 gói thầu xây lắp. Trong đó 1 gói thầu đã hoàn thành đưa vào sử dụng (hệ thống cấp nước khu xử lý rác Phú Sơn - thị xã Hương Thủy), đang triển khai thi công 9 gói thầu còn lại.

Theo ông Phan Quốc Sơn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cùng với thực hiện các dự án trọng điểm về phát triển đô thị và chuẩn bị các thủ tục đầu tư để triển khai các dự án chỉnh trang, phát triển đô thị. Tỉnh cũng tập trung tổ chức triển khai, hoàn thiện công tác lập quy hoạch, trọng tâm là quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch chung xây dựng đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045 tầm nhìn đến năm 2065. Triển khai thực hiện các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết trên địa bàn TP. Huế, các huyện, thị xã theo kế hoạch lập quy hoạch đã được UBND tỉnh ban hành.

Đồng hành

Đánh giá từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2022, công tác chuẩn bị đầu tư đã có nhiều chuyển biến tích cực, UBND tỉnh đã ưu tiên bố trí vốn chuẩn bị đầu tư cho các dự án quan trọng, cấp thiết phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, an sinh xã hội của địa phương và phù hợp với khả năng huy động nguồn lực các năm tiếp theo. Các ngành, các chủ đầu tư đã tổ chức lập, trình duyệt, thẩm định thủ tục báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế dự toán và tổ chức đấu thầu... phù hợp theo quy định.

Ngoài ra, từ năm 2021 UBND tỉnh đã bố trí vốn chuẩn bị đầu tư để lập các dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Nhờ thực hiện tốt công tác chuẩn bị nên những khó khăn ban đầu trong thực hiện các thủ tục cũng được giải quyết. Cùng với đó, công tác đấu thầu qua mạng năm 2022 cũng có những bước tiến khi toàn tỉnh thực hiện đấu thầu qua mạng 372 gói thầu trên tổng số 401 gói thầu tổ chức đấu thầu rộng rãi, đạt 96,8%.

Ông Sơn cho biết, điểm nổi bật tạo nên những bước tiến trong đầu tư năm 2022 là việc tỉnh quan tâm nhiều hơn đến việc đồng hành, hỗ trợ từng dự án đầu tư. Cụ thể, tỉnh đã thành lập 4 tổ công tác do Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng, giám đốc các sở là thành viên để hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Tỉnh cũng tổ chức giao ban định kỳ hằng tuần, làm việc với chủ đầu tư và tăng cường tần suất kiểm tra hiện trường để rà soát, đôn đốc, phát hiện, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh của từng dự án. Yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu có tiến độ tổng thể, chi tiết, ký cam kết về tiến độ hoàn thành dự án. Kiên quyết chấm dứt hợp đồng với các nhà thầu không đảm bảo tiến độ, chất lượng; thay thế kịp thời cán bộ yếu kém trong quản lý đầu tư công.

Đồng thời, tỉnh cũng yêu cầu các chủ đầu tư đề xuất nhu cầu điều chuyển vốn; trường hợp không có nhu cầu điều chuyển thì phải có cam kết giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022. Nhờ đó, các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước trên địa bàn nhìn chung có chất lượng tốt, tuân thủ quy trình thi công, nghiệm thu, an toàn lao động.

Bài, ảnh: Hoàng Anh