Các thành phần có trong thuốc lá điện tử có thể dẫn tới ngộ độc cho trẻ (Ảnh minh họa – nguồn Internet)

Chỉ mất 0,62 giây, với từ khóa “thuốc lá điện tử” cho ra khoảng 63,3 triệu kết quả tìm kiếm các thông tin liên quan bằng tiếng Việt. Điều đó cho thấy, thuốc lá điện tử không phải là khái niệm xa lạ với cuộc sống của chúng ta. Thậm chí, khi mỗi ngày trên các trang tin báo chí, chúng ta dễ gặp hơn các tiêu đề như: Thuốc lá điện tử và những “chiêu trò” len lỏi vào trường học; 8 học sinh nhập viện cấp cứu do hút phải thuốc lá điện tử; Cảnh báo ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử; Thuốc lá điện tử – “cái chết trắng” bủa vây giới trẻ… thì thuốc lá điện tử lại là nỗi ám ảnh của các bậc cha mẹ có con ở tuổi vị thành niên.

Đang trong cuộc họp, điện thoại anh T.Q.T (Hương Thủy) rung liên hồi với nhiều cuộc không dứt. Thấy toàn số của vợ, quá nóng ruột, anh phải xin ra ngoài nhận điện. Phía bên kia, vợ anh hoảng hốt “cấp báo” mới nhận được điện thoại của cô chủ nhiệm của con, vì nghi ngờ con bé nằm trong nhóm nam, nữ sinh có lén hút thuốc lá điện tử ở trường. Đến lượt anh hoảng hốt, ít ra vì lâu nay cô con gái rượu đang học lớp 9 của anh chưa từng gây lỗi ở trường khiến cô giáo và ba mẹ phải phiền lòng. Gần đây, ngoài cái nỗi ngủng ngẳng tuổi dậy thì của con, anh quan sát cũng chưa thấy có gì đó đáng lo.

Thật may, sau khi kết nối thêm với các phụ huynh lớp và nhiều lần thủ thỉ to nhỏ với con, con bé của anh T. vẫn chỉ thuộc đối tượng nghi ngờ với những hành vi như cô giáo báo về. Chính con cũng từng bị bạn phà hơi thuốc vào mặt và mời thử, nhưng con khẳng định con chưa thử một lần… Điều anh T. và các phụ huynh khác lo lắng nhất là thuốc lá điện tử đang quá gần với các con, mà ngay cả cô giáo và nhà trường dù có theo sát mấy cũng khó kiểm soát được. Con kể, trong lớp của con có 2 bạn nam nhà rất có điều kiện nên dù chỉ mới lớp 9 nhưng các bạn thường xuyên có hàng trăm ngàn đồng trong người. Thuốc lá điện tử được các bạn ấy đặt mua trên mạng và “hào sảng” mời khắp lượt bạn bè trong và ngoài lớp dùng thử. Có khi, các bạn nháy nhau trốn ra nhà vệ sinh để hút, cũng có khi hẹn gặp nhau ngoài đường khi đi học thêm các môn…

Trên mục “Thông tin sức khỏe” của một hệ thống y tế uy tín ghi rõ: “Thuốc lá điện tử không an toàn cho thanh, thiếu niên, phụ nữ có thai hoặc người lớn hiện không sử dụng các sản phẩm thuốc lá. Hơi thuốc từ thuốc lá điện tử hít từ thiết bị và phả ra có thể chứa các chất gây hại và có nguy cơ gây hại. Rất khó để người tiêu dùng biết được họ đang hít vào thứ gì. Đã có trường hợp một số nhãn hiệu thuốc lá điện tử được quảng cáo là không chứa nicotin, nhưng lại bị phát hiện có chứa chất gây nghiện “lừng danh” này”.

Năm nay, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cũng đã cấp cứu một trường hợp bệnh nhân nữ 20 tuổi được đưa vào trong tình trạng rất nặng: hôn mê sâu, phù não, suy đa tạng. Được biết tối trước khi nhập viện bệnh nhân có sử dụng thuốc lá với nhóm bạn. Sau khi sử dụng, người bệnh rơi vào bất tỉnh, khi đưa vào viện đã trong tình trạng hôn mê, huyết áp tụt sâu, tổn thương đa cơ quan rất nặng. Trước đó, Trung tâm cũng đã tiếp nhận nhiều trường hợp bị ngộ độc khác sau khi sử dụng thuốc lá điện tử, như: kích thích tăng cường ảo giác, tăng huyết áp, tụt huyết áp, yếu cơ, suy tim, suy thận, suy gan…

Với quan điểm nhất quán là bảo vệ sức khỏe người dân trên các lợi ích kinh tế, dựa trên căn cứ khoa học, điều kiện thực tiễn của Việt Nam, Bộ Y tế đề nghị Việt Nam không thí điểm các sản phẩm có hại cho sức khỏe, trong đó có thuốc lá điện tử. Bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cũng thông tin: “Tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở nước ta chưa cao nhưng bắt đầu có sự gia tăng ở giới trẻ, trong khi Việt Nam chưa cho phép kinh doanh sản phẩm này. Nếu cho phép kinh doanh thì sẽ có nguy cơ tăng mạnh, thu hút giới trẻ nhiều hơn và tạo ra một thế hệ nghiện nicotin mới”. Đây cũng là lý do “đủ nặng” để các bậc cha mẹ và người lớn trong mỗi gia đình cần dành thêm nhiều thời gian để quan sát, quan tâm và bảo vệ con trẻ thoát được “bóng ma” của “thế hệ nghiện nicotin mới”.

ĐỒNG VĂN