Đi chợ ngày mưa, có gì vui? Hỏi câu này chắc nhận được nhiều cái lắc đầu “Vui chi mà vui, đi chợ ngày mưa ướt át, áo mưa lùm thà lùm thùm nhưng cũng cố gắng để có bữa cơm ngon cho gia đình”. Nếu hỏi tôi câu đó cách đây chừng năm hay mười năm thì tôi cũng sẽ trả lời như vậy, nhưng bây giờ thì tôi có thể trả lời rằng: “Đi chợ ngày mưa cũng vui. Ướt át bên này thì được ấm áp bên kia”.

Cái ấm áp ấy là ánh mắt của những mệ, những chị đang ngồi co ro với mớ rau, rổ cá, rổ tôm đã mừng sáng rỡ lên khi có người ghé lại và hỏi mua hàng. Ngày mưa, nụ cười các mệ, các chị có tím tái đi một chút mà hiền hậu, vui vẻ và thân thiết. Mệ bán hàng cá mà tôi quen trả lời nhẹ thênh: “Có người đi chợ, có người mua hàng là vui rồi con ơi. Trời mưa không ai đi chợ mới thật sự buồn”.

Người bán hàng trong nhà chợ có mái che còn đỡ, chỉ chịu lạnh chứ không dầm mưa, còn những mệ, những chị bán hàng nép nép dưới cây dù lớn hay ngồi giữa trời mưa mà bán thì dầm nguyên buổi chợ. Những lúc mưa gió, ướt át như vậy, tôi chỉ nói số tiền rồi các chị, các mệ bán thế nào cũng được. Nhưng thường là đúng giá và cân đong chính xác, đàng hoàng. Đem chuyện này hỏi bạn bè, ai cũng trả lời tôi “Ngày mưa mua nhanh cho mấy mệ về nhà cho sớm, giàu có chi mà trả giá với mấy mệ, cứ đưa tiền rồi nhận hàng thôi”. Tôi ấm lòng khi nghe các bạn trả lời vậy.

Tôi thích và mến chị là từ... gánh hàng rau của chị. Đi chợ mùa mưa thích nhất là mua rau, mua cải. Mùa này rau khoai và cải rất non, nhìn đã thấy ngọt. Trời mưa đủ nước, rau các loại lên nhanh và mướt mát, tươi tắn, không cằn cỗi như mùa hè thiếu nước, người trồng cũng không cần phải bón phân hay trừ sâu gì cả, nên rau mùa mưa nhìn hàng nào cũng xanh mướt. Chị mua rau, trái các nhà vườn trên Tuần rồi về chợ bán, nên hàng rau của chị đúng là mùa nào thức nấy. Ngày thì có búp chuối sứ, búp chuối tiêu, ngày thì chị có vả Tuần ruột hồng, ngày thì cà tím, dưa leo, ngày thì mít non, rồi rau thơm, ớt trái, đu đủ chín, khoai từ, củ sắn... Có lần tôi cười nói, hàng rau của chị phản ánh đúng mùa rau, trái của vườn Huế. Chị nghe vậy lấy làm vui lắm và trả lời như là tâm sự: “Bây giờ buôn bán khó khăn, chỉ lấy công làm lời thôi em ơi. Mỗi buổi chợ chỉ mong bán hết hàng sớm để về còn lo chuyện nhà cửa, rồi còn đi các nhà vườn mua hàng để sáng mai đi chợ”.

Đi chợ ngày mưa, cảnh mưa lạnh, lạ thay, lại làm cho lòng người ấm áp, dường như trong mua bán có sự thấu hiểu và biết ơn. Người mua thấu hiểu mà mua nhanh, cũng chẳng phàn nàn nếu hàng hóa chưa được như ý, người bán thầm biết ơn người mua “đã đội mưa đi chợ, chơ chừ siêu thị hàng hóa đầy ra đó nên ai đi chợ ngày mưa là mình biết ơn họ đã con ơi!”, vẫn là mệ bán cá ở chợ Cống nói với tôi đầy thấu hiểu như vậy.

Đi chợ ngày mưa cũng thể hiện “cái tài” của người phụ nữ Huế. Trên mâm cơm vẫn có món tươi, món rau củ, đặc biệt là món truyền thống của Huế vào mùa mưa lạnh - đó là món mắm chưng cách thủy hay mắm kho. Cứ thấy mưa là hàng mắm thính cá nục, thính cá chuồn xuất hiện. Những con cá nục, cá chuồn thân tròn như còn mang màu xanh của biển khơi được ướp một lớp thính màu vàng đồng là nguyên liệu tuyệt vời để cả nhà có món mắm thính chưng ăn kèm với vả, chuối chát xắt mỏng và ngọn rau thơm. Mắm cá mua về, lọc xương, băm nhỏ, thêm trứng vịt và gia vị hành, tiêu, thịt ba chỉ heo xắt hạt lựu, tất cả trộn đều rồi cho vào tô chưng cách thủy. Món này càng ăn thì càng nhớ cái bếp nhà mình và hình ảnh “người phụ nữ đỉnh nhất của gia đình” đã tạo món “ngon nhức răng”, ngon và ấm dậm, món của nỗi nhớ mùa mưa xứ Huế.

Chợ ngày mưa, cuộc sống nhân tình thế thái được thể hiện rõ hơn bao giờ hết. Và từ trong mưa gió, hơi ấm của yêu thương, chia sẻ và thấu hiểu len lỏi tỏa ra trong mọi không gian, làm ấm lòng người. Đó cũng là một cách người Huế đi qua mùa mưa gió “nổi tiếng” của mình mà lòng vẫn an yên.

Xuân An