Hoạt động sản xuất của châu Á chịu áp lực khi nhu cầu toàn cầu chậm lại. Ảnh minh họa: TTXVN/Vietnam+
Một số chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) nằm trong vùng tiêu cực trên toàn khu vực, hãng tin Bangkok Post đưa tin. Cụ thể, chỉ số PMI toàn cầu của S&P dành cho Việt Nam đã giảm từ 47,4 ghi nhận trong tháng 11 xuống còn 46,4 trong tháng cuối năm 2022, qua đó đánh dấu mức thấp nhất kể từ tháng 9/2021.
Theo Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, các đơn đặt hàng mới của Việt Nam cũng ghi nhận mức giảm tồi tệ nhất kể từ tháng 9/2021.
Trong khi đó, PMI tháng 12 của Malaysia giảm từ 47,9 xuống còn 47,8, mức thấp nhất kể từ tháng 8/2021.
Trong khu vực, chỉ số PMI của Đài Loan tăng nhẹ lên mức 44,6 trong tháng 12, cao hơn so với 41,6 ghi nhận trong tháng 11/2022, cho thấy tình trạng suy thoái tuy đang diễn ra, song đã phần nào giảm bớt. Mặc dù vậy, nhìn chung, chỉ số PMI của Đài Loan vẫn thu hẹp trong 7 tháng liên tiếp.
Annabel Fiddes, Phó Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Interlligence cho biết: “Đã có nhiều báo cáo về nhu cầu yếu hơn ở cả trong và ngoài nước, với các công ty nhận xét về nhu cầu giảm trên khắp châu Âu, Trung Quốc đại lục và đặc biệt là Mỹ”.
Theo bà Annabel Fiddes, niềm tin kinh doanh vẫn ở mức âm do các nhà sản xuất dự đoán sản lượng sẽ tiếp tục bị giảm đi trong những tháng tới. Điều này dường như ngày càng có khả năng xảy ra nếu các dấu hiệu về năng lực dự phòng vẫn tồn tại dai dẳng và điều kiện nhu cầu toàn cầu không thể phục hồi.
Sự sụt giảm của thị trường Trung Quốc là mối quan tâm đặc biệt đối với thương mại trong khu vực. Chỉ số PMI sản xuất của Caixin Trung Quốc đã giảm xuống mức 49 ghi nhận trong tháng 12, thấp hơn so với mức 49,4 của tháng 11, trong bối cảnh đất nước đột ngột ngừng áp dụng chính sách Zero COVID.
Điều đáng khích lệ là các nhà sản xuất trong cuộc khảo sát Caixin PMI của Trung Quốc đã bày tỏ sự lạc quan hơn về triển vọng cho năm tới, nhờ việc mở cửa trở lại được tăng tốc.
Trong số các thị trường trong khu vực, Philippines là một điểm nổi bật, với hoạt động sản xuất tăng từ 52,7 lên 53,1, cao nhất kể từ tháng 6/2022. Lĩnh vực sản xuất của nước này được nhận định là đã được hỗ trợ để phục hồi vào năm 2022 nhờ giải tỏa được nhu cầu bị dồn nén sau đại dịch.
Tuy nhiên, những thách thức dưới hình thức gián đoạn chuỗi cung ứng và áp lực lạm phát vẫn là mối lo ngại thường trực đối với ngành và có khả năng đe dọa triển vọng tăng trưởng vào năm 2023.
ĐAN LÊ (Lược dịch từ Bangkok Post)