Du bai - điểm đến du lịch được nhiều người yêu thích và chọn lựa. Ảnh minh họa: agoda
“Thành phố Dubai đã tạm dừng thu thuế 30% từ các công ty rượu, đồ uống có cồn, có hiệu lực trong thời hạn 1 năm kể từ đầu ngày 1/1/2023 đến hết ngày 31/12/2023. Các công ty được phép bán các phẩm này ở Dubai đã được thông báo về quyết định này”, chính quyền thành phố Dubai cho biết.
Động thái này có thể được xem là một nỗ lực để tăng cường du lịch và kích thích kinh doanh nhiều hơn giữa cả du khách và người dân, khi Dubai đẩy mạnh mục tiêu trở thành “nơi hạn phúc nhất trên Trái đất”.
Đồ uống có cồn nổi tiếng đắt đỏ ở Dubai. Một ly bia có giá 15 USD và một ly rượu vang nhỏ có giá từ 20 USD trở lên.
Các nhà phân phối rượu địa phương, đơn cử như chuỗi đồ uống có cồn Maritime and Mercantile International (MMI) có trụ sở tại Dubai chia sẻ: “Hiện giờ bạn đã có thể tiết kiệm 30% thuế đối với đồ uống có cồn”. Tuy nhiên, thuế VAT 5% của UAE vẫn được áp dụng.
Thêm vào đó, giấy phép rượu cá nhân, trước đây là yêu cầu đối với tất cả cư dân Dubai để mua rượu và đồ uống có cồn tại các cửa hàng, có giá 73,5 USD, hiện đã hoàn toàn miễn phí.
Được biết, trước ngày 1/1, giấy phép rượu này phải được gia hạn hàng năm và có thời gian xử lý khoảng 4 tuần. Tuy nhiên, mua đồ uống có cồn trong quán bar không yêu cầu bất kỳ giấy phép nào.
Được biết, Dubai cũng là nơi duy nhất ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) yêu cầu cư dân phải có giấy phép mua rượu tại cửa hàng. Ở 5 tiểu vương quốc khác bao gồm Abu Dhabi thì không cần giấy phép, trong khi ở tiểu vương quốc Sharjah lại không cho phép bán rượu.
Đối mặt với tuyên bố mới, một số cư dân người Dubai không hài lòng, bởi họ vừa trả toàn bộ phí cho giấy phép mua đồ uống có cồn hàng năm của mình.
Dù vậy, nhìn chung, cư dân Dubai đã ăn mừng và hoan nghênh quy định mới này. Thông báo được đưa ra trong bối cảnh nước láng giềng Saudi Arabia tăng cường nỗ lực rõ ràng để thay thế AUE trở thành thủ đô du lịch và thương mại của khu vực. Saudi Arabia vẫn là một quốc gia có luật pháp nghiêm ngặt và xã hội còn bảo thủ. Trên đây là những rào cản đối với nhiều cư dân nước ngoài trong tương lai.
Ngược lại, UAE và đặc biệt là trung tâm thương mại Dubai là nơi sinh sống của 90% dân số nước ngoài đến từ nhiều quốc gia, từ lâu mang đến lối sống tương đương với lối sống ở phương Tây. Thành phố có vô số quán bar, club đêm và nhà hàng phục vụ đồ uống có cồn, không có yêu cầu bắt buộc về trang phục, mọi tôn giáo lớn đều có thể thành lập nơi thờ cúng và sống thử trước hôn nhân là hợp pháp. Điều này tương đối khác so với một số quốc gia Ả Rập vùng Vịnh khác...
Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) gần đây cũng đã thay đổi ngày cuối tuần của người Hồi giáo từ thứ Sáu đến thứ Bảy thành từ thứ Bảy đến Chủ nhật để phù hợp với phần lớn phần còn lại của thế giới và bắt đầu cung cấp thị thực làm việc từ xa, khi đại dịch COVID-19 khiến phong cách làm việc này trở nên phổ biến, được nhiều người áp dụng.
Karrim Jetha, Giám đốc đầu tư của Công ty quản lý tài sản Longdean Capital có trụ sở tại Dubai chia sẻ với phóng viên báo CNBC rằng: “Dubai nổi bật rõ ràng về tốc độ phục hồi của thị trường du lịch kể từ sau đại dịch COVID-19. Quyết định đình chỉ thuế đồ uống có cồn theo sau các động thái thay đổi ngày cuối tuần sang thứ Bảy - Chủ nhật và mở rộng khả năng tiếp cận thị thực cư trú dài hạn. Với tư cách là một tập thể, những sáng kiến này sẽ thúc đẩy du lịch nước ngoài và khuyến khích nhiều người nước ngoài coi Dubai là quê hương của họ”.
Đan Lê (Lược dịch từ CNBC)