Nguồn: Freeport LNG
Một vụ hỏa hoạn hồi tháng 6/2022 đã khiến Freeport LNG, cơ sở xuất khẩu lớn thứ hai của Mỹ phải đóng cửa và làm giảm lượng nhiên liệu xuất khẩu của Mỹ khoảng 2 tỷ foot khối mỗi ngày (bcfd, 1 foot khối = 0,0283 m3).
Sự cố này đã khiến Mỹ bị tụt lại phía sau nhà xuất khẩu hàng đầu Australia khi nhu cầu toàn cầu về nhiên liệu bùng nổ.
Trong năm 2022, xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Mỹ dưới dạng LNG đã tăng 8% lên 10,6 bcfd, thấp hơn một chút so với mức 10,7 bcfd của Australia.
Theo nhà cung cấp dữ liệu Refinitiv, Mỹ vẫn dẫn trước Qatar, nước đứng ở vị trí thứ ba khi xuất khẩu 10,5 bcfd.
Số nhiên liệu được xuất khẩu ra thị trường này đã góp phần quan trọng trong việc giúp châu Âu xây dựng lại kho dự trữ khí đốt sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi tháng 2/2022, làm gián đoạn nguồn cung.
Nguồn cung từ Mỹ trở nên quan trọng hơn khi Nga ngừng cung cấp nhiên liệu cho châu Âu.
Trong năm 2021, Mỹ đứng thứ ba về xuất khẩu LNG sau Australia và Qatar, hai nước bán được lần lượt là 10,5 bcfd và 10,1 bcfd khí dưới dạng LNG.
Tuy nhiên, trong năm 2022, Mỹ có thể vượt lên vị trí số một nhờ khởi động nhà máy Calcasieu Pass của Venture Global LNG tại Louisiana hồi đầu năm.
Do không có nhà máy LNG mới nào dự kiến đi vào hoạt động tại Australia cho đến khoảng năm 2026 và ở Qatar cho đến khoảng năm 2025, các nhà phân tích dự kiến sản lượng sẽ duy trì ở mức tương đương như năm 2022 trong năm 2023.
Trong năm 2022, giá khí đốt trung bình là 41USD trên một triệu đơn vị nhiệt Anh (mmBtu) tại Cơ sở chuyển nhượng quyền sở hữu của Hà Lan (TTF-Dutch Title Transfer Facility) tại châu Âu và 34 USD/mmBtu tại Japan Korea Marker (JKM) ở châu Á, nhưng chỉ 7 USD/mmBtu tại Henry Hub ở Louisiana, Mỹ.
Giá khí đốt gần đây đã được giao dịch cao hơn tại châu Á ở mức khoảng 29 USD/mmBtu so với 22 USD/mmBtu ở châu Âu và chỉ 4 USD/mmBtu tại Mỹ.
Các nhà phân tích dự báo những mức giá cao hơn đó sẽ thúc đẩy nhiều LNG của Mỹ đến châu Á hơn trong năm nay.
Theo TTXVN/Vietnam+