Ca khúc “Thương màu mắt Huế” của nhạc sĩ Lê Đình Nghĩ đăng trên youtube (ảnh chụp màn hình)
Cuộc thi sáng tác ca khúc mới chủ đề “Tôi yêu Huế” năm 2022 do Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế phối hợp với Hội Âm nhạc Thừa Thiên Huế tổ chức, được phát động từ tháng 3 đến tháng 10/2022, thu hút 99 ca khúc của 83 tác giả ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước tham dự, trao giải vào ngày 18/12/2022 với 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba và 4 giải khuyến khích.
Sau khi giải thưởng được công bố, một số người yêu nhạc và thành viên của Hội Âm nhạc Thừa Thiên Huế cho rằng đã có vấn đề trong công tác chấm điểm và xét trao giải khi nhiều tác phẩm vi phạm thể lệ cuộc thi nhưng vẫn đạt giải, thậm chí đạt giải cao.
Cụ thể, đó là ca khúc đạt giải Nhất “Thương màu mắt Huế” của nhạc sĩ Lê Đình Nghĩ – Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Lâm Đồng; ca khúc đạt giải Ba “Đường xưa” của tác giả Trần Hữu Dàng (Thừa Thiên Huế); ca khúc đạt giải Khuyến khích “Mười thương” của tác giả Văn Đen (Thừa Thiên Huế).
Theo phản ánh, trong thể lệ cuộc thi, ở mục 4 - Quy cách tác phẩm dự thi ghi rõ: “Tác phẩm dự thi phải là tác phẩm sáng tác mới, chưa gửi tham gia bất kỳ cuộc thi nào, chưa có công bố và biểu diễn trên sân khấu dưới bất kỳ hình thức nào”.
Tuy nhiên, ca khúc “Thương màu mắt Huế” đăng tải trên Youtube cách đây 2 năm (1/10/2020), và nhạc sĩ Lê Quang Vũ – Phó Chủ tịch Thường trực Hội âm nhạc Thừa Thiên Huế, thành viên Ban giám khảo đã chia sẻ ca khúc này trên facebook của Chi hội nhạc sĩ Việt Nam tại Thừa Thiên Huế. Còn ca khúc “Đường xưa” của tác giả Trần Hữu Dàng cũng đã đăng tải trên youtube từ tháng 5/2015.
Ca khúc “Đường xưa” của tác giả Trần Hữu Dàng đăng trên youtube (ảnh chụp màn hình)
Ngoài 2 ca khúc trên, ca khúc “Mười thương” của tác giả Văn Đen không chỉ nhiều lần biểu diễn ở một số cuộc họp, hội nghị… của Hội âm nhạc Thừa Thiên Huế, đăng tải trên youtbe vào tháng 1/2020 mà còn gửi tham dự cùng lúc cuộc thi Tôi yêu Huế năm 2022 và cuộc thi âm nhạc của Hội nhạc sĩ Việt Nam (đạt giải B).
“Đối chiếu thể lệ, có thể thấy những tác phẩm này được sáng tác và công bố từ lâu, vi phạm thể lệ cuộc thi Tôi yêu Huế năm 2022. Ban tổ chức, Hội đồng giám khảo cần phải xem lại quy trình sàng lọc, chấm điểm, trao giải cũng như cần thu hồi giải thưởng đối với những tác phẩm phạm quy”, một nhạc sĩ kỳ cựu của Hội Âm nhạc Thừa Thiên Huế nêu quan điểm.
Trước những phản ánh trên, ông Hồ Đăng Thanh Ngọc – Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật tỉnh cho biết, thể lệ ghi rõ là “… chưa công bố và biểu diễn trên sân khấu dưới bất kỳ hình thức nào”, còn ở đây là đăng tải trên youtube và chia sẻ trên facebook nên không thể gọi là công bố và biểu diễn trên sân khấu. Tức là các tác phẩm này không phạm quy.
Ngoài ra, những tác phẩm nói trên sau khi đăng tải ở youtube, facebook hay được trình diễn ở hội hè, tiệc tùng nào đó cũng chưa chắc sẽ giữ nguyên gốc để gửi tham dự cuộc thi Tôi yêu Huế 2022, mà tác giả có thể thay đổi ca từ, giai điệu, thậm chí thay đổi 1 từ cũng đã dẫn tới sự khác biệt, nên không thể nói đây là những sáng tác cũ.
“Về tác phẩm “Mười thương” của tác giả Văn Đen, sau khi BTC cuộc thi Tôi yêu Huế năm 2022 trao giải (18/12/2022) thì đến cuối tháng 12/2022, Hội nhạc sĩ Việt Nam mới công bố và trao giải nên cũng không thể nói tác giả này vi phạm thể lệ cuộc thi Tôi yêu Huế năm 2022”, ông Hồ Đăng Thanh Ngọc thông tin thêm.
Ca khúc “Mười thương” của tác giả Văn Đen biểu diễn tại Chung kết Cuộc thi tìm kiếm tài năng nhí “Thiên thần Việt” năm 2019 đăng trên youtube (ảnh chụp màn hình)
Ông Lê Chí Quốc Anh – Chủ tịch Hội Âm nhạc Thừa Thiên Huế - Phó ban Tổ chức, Trưởng ban Giám khảo cuộc thi Tôi yêu Huế năm 2022 cũng khẳng định, các trường hợp nêu trên không vi phạm thể lệ cuộc thi.
Theo ông Quốc Anh, để xác định những tác phẩm này không phải là sáng tác mới thì cần căn cứ vào bản gốc đã được công bố để đối chiếu xem có thay đổi về ca từ, giai điệu…nào không hay vẫn giữ nguyên. Có những tác phẩm sau khi sáng tác, được tác giả thể hiện ở một góc vui nào đó, nhưng khi chuẩn bị tham dự cuộc thi – như Tôi yêu Huế chẳng hạn – họ ấp ủ trong thời gian dài mà có thể chỉ để hiệu chỉnh 1,2 nốt nhạc rồi mới “chốt” và gửi tham dự. Và đến thời điểm hiện tại, những tác phẩm đạt giải nói trên chưa có văn bản chính thức khẳng định đã được công bố.
“Việc các tác phẩm này đăng tải trên youtube, chia sẻ trên facebook như một cách gửi gắm mang tính cá nhân của tác giả, còn công bố chính thức là phải có văn bản chính thức, hoặc công bố trên báo, đài, văn bản nhạc, hoặc ở một cuộc thi, biểu diễn trên sân khấu hay trong chương trình giới thiệu tác phẩm mới của hội chuyên ngành…
Về tuyển chọn tác phẩm và chấm điểm, bên cạnh mời những nhạc sĩ uy tín, chuyên môn giỏi trong làng âm nhạc Việt Nam, như: nhạc sĩ Tôn Thất Lập, nhạc sĩ Đức Trịnh - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam thì các tác phẩm đã được rọc phách nên tôi khẳng định công tác chấm thi rất khách quan”, ông Anh nói thêm.
Link 3 tác phẩm đăng ở youtue https://www.youtube.com/watch?v=58b-EsPqg5s (Thương màu mắt Huế) https://www.youtube.com/watch?v=zfZRMYDjo0w (Đường xưa) https://www.youtube.com/watch?v=bMwlpbgTz8Y (Mười thương) |
Tuy nhiên, khi người viết đặt câu hỏi, tác phẩm “Mười thương” của tác giả Văn Đen đăng lên youtube thể hiện là biểu diễn ở chương trình Chung kết Cuộc thi tìm kiếm tài năng nhí “Thiên thần Việt” năm 2019 được tổ chức ở Huế. Vậy điều này liệu có vi phạm thể lệ cuộc thi hay không, ông Lê Chí Quốc Anh cho biết sẽ làm việc với tác giả Văn Đen về thông tin trên, cả ở khía cạnh chủ quan lẫn khách quan, từ đó có hướng xử lý thích hợp.
“Liệu tác giả Văn Đen đồng ý cho ca sĩ biểu diễn ca khúc “Mười thương” hay ca sĩ không hỏi ý kiến tác giả mà tự tiện lấy biểu diễn. Nếu tác giả đồng ý để ca sĩ biểu diễn tác phẩm của mình tại chương trình Chung kết Cuộc thi tìm kiếm tài năng nhí Thiên thần Việt năm 2019 thì rõ ràng vi phạm nội quy và BTC sẽ thu hồi giải”, ông Anh cho hay.
Bài, ảnh: HÀN ĐĂNG