Diễu hành áo dài bằng xe đạp đi qua cầu Trường Tiền - biểu tượng của Huế. Ảnh: Sở Văn hóa Thể thao
Và cứ thế, áo dài đã tạo nên hình ảnh riêng, bản sắc riêng của Huế. Nhắc đến Huế, ngay lập tức mọi người nghĩ đến ngay tà áo dài. Những năm gần đây, đề án “Huế - Kinh đô áo dài” đã phục hưng và di sản văn hóa ấy tỏa sáng như vốn nó đã từng!
Hình ảnh người Huế mặc áo dài đã quá quen thuộc. Nhưng hình ảnh những du khách quốc tế khi đến Huế cũng hớn hở, thích thú khi diện lên mình bộ trang phục áo dài truyền thống của người bản xứ để trải nghiệm, chụp hình đã ít nhiều tạo được sự lan tỏa trong việc quảng bá, giới thiệu nét đẹp văn hóa.
Điều này kéo theo các dịch vụ liên quan từ cho thuê, may đo cho đến thị trường hàng vải vóc… trở nên sôi động. Dù ảnh hưởng dịch trong thời gian dài, nhưng theo nhiều người hoạt động trong các lĩnh vực nói trên, thời gian gần đây khi du lịch phục hồi, các dịch vụ nói trên cũng đã “hồi sinh”.
Chị Bích Thủy (chủ cơ sở áo dài Huế - Bích Thủy) cho biết, dù ảnh hưởng của dịch nhưng lượng khách có nhu cầu máy áo dài không bị ảnh hưởng nhiều, vì thế công việc may mặc, kinh doanh của cơ sở vẫn khá ổn định. Chủ nhà may này cũng mong rằng, việc quảng bá tiếp tục được đẩy mạnh, hướng đến vào du khách. Từ đó kích cầu ngành dịch vụ may đó áo dài phát triển.
Ở góc độ của người thiết kế, theo NTK Viết Bảo, đề án “Huế - Kinh đô áo dài” đã tạo được bước ngoặt lịch sử chưa từng có trong đời sống văn hóa và nghệ thuật tại Huế. “Đề án đã ảnh hưởng sâu rộng đến cộng đồng, khi kết nối người dân, các hội tham gia hưởng ứng các hoạt động, tạo sự lan tỏa. Đặc biệt, đề án đã hồi sinh chiếc áo dài ngũ thân – một di sản quý báu”, NTK người Huế nhấn mạnh.
Đại diện Sở Du lịch cũng cho hay, đã tập trung giới thiệu cho du khách trải nghiệm áo dài Huế trong các tour du lịch. Đặc biệt tổ chức cho các đoàn bloger, famtrip trong nước và quốc tế khảo sát, trải nghiệm sản phẩm mặc áo dài ngũ thân tham quan TP. Huế. Bên cạnh đó, còn tổ chức nhiều lễ hội áo dài lồng ghép vào các sự kiện… nhờ đó tạo nên sức hấp dẫn của áo dài Huế nói riêng và Việt Nam nói chung với du lịch văn hóa Huế. Ngành cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp du lịch quan tâm, triển khai trang cấp đồng phục áo dài truyền thống cho cán bộ nhân viên trong đơn vị tạo nên ấn tượng tốt hơn cho khách du lịch khi đến Huế, từ đó góp phần quảng bá nét đẹp này.
Theo TS. Trần Văn Dũng (Sở Văn hóa và Thể thao), áo dài Huế đang đứng trước những xu hướng cách tân nên chắc chắn sẽ dẫn đến hệ quả không có mẫu áo dài nào bất biến, càng không có thể một mẫu áo dài chỉ dành riêng cho xứ Huế. Hiện nay nhiều nhà thiết kế từ trong Nam, ra Bắc, hay ở hải ngoại đã tiến hành cách tân, sáng tạo nhiều kiểu áo dài mới lạ, hấp dẫn. “Tuy nhiên thị hiếu thẩm mỹ của khách hàng vẫn hướng đến những kiểu áo dài truyền thống mà giá trị của nó đã được chắt lọc qua thời gian. Áo dài có thể cách tân cho phù hợp với hơi thở của cuộc sống thời đại nhưng phải tôn trọng, gìn giữ, bảo tồn được các giá trị truyền thống để tôn vinh vẻ đẹp người phụ nữ và đàn ông Việt”, TS. Dũng nhận định.
Cũng theo TS. Dũng, cần phải coi trọng phát triển, sáng tạo quà lưu niệm để phát triển kinh tế du lịch, tạo sinh kế cho người dân. Trong đó, phát triển sản phẩm theo hướng gắn với bản sắc văn hóa Huế là rất cần thiết để tạo ra nét riêng. Và phát triển sản phẩm từ chất liệu, hình ảnh chiếc áo dài truyền thống cần được chú trọng và phát triển trong tương lai.
TS. Phan Thanh Hải – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cũng nhận định, giải pháp trong thời gian tới trong việc phát huy giá trị di sản áo dài đó là đẩy mạnh phát triển mô hình du lịch di sản gắn liền với áo dài truyền thống Huế. Sự kết hợp có hiệu quả giữa bảo vệ và phát huy giá trị di sản áo dài truyền thống Huế gắn với phát triển du lịch sẽ là một lợi thế không hề nhỏ cho sự nghiệp phát triển du lịch bền vững ở Cố đô Huế.
Ngoài ra, cần nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ để nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động sưu tầm, tư liệu hóa cũng như truyền đạt về di sản áo dài. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đưa môn thiết kế, may đo ái dài Huế vào nội dung đào tạo, bồi dưỡng tại các cơ sở đào tạo, trường học.
NHẬT MINH