Tiêm vaccine COVID-19 giúp giảm nguy cơ bệnh nặng và tử vong ngay cả đối với biến thể mới.

Biến thể phụ mới xuất hiện có đáng lo ngại?

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), biến thể XBB được ghi nhận trên thế giới từ tháng 10/2022 và đến nay đã lây lan ở hơn 70 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Sự xuất hiện của biến thể XBB cho thấy rằng đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc. Bất cứ nơi nào có COVID-19 đang lưu hành, ở đó sẽ hiện diện nguy cơ gia tăng số ca mắc mới và sự xuất hiện của các biến thể mới nguy hiểm. Hiện chưa có bằng chứng cho thấy biến thể phụ XBB và XBB.1.5 gây bệnh nặng hơn so với các biến thể khác của Omicron.

Tuy nhiên, theo công bố mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới, biến thể phụ XBB.1.5 đã xuất hiện tại 25 quốc gia trên Thế giới như Mỹ, các nước châu Âu, Hàn Quốc... Qua dự báo, chủng XBB và biến thể phụ XBB.1.5 sẽ dần chiếm ưu thế so với các chủng phụ của Omicron khác trong thời gian tới.

Thông tin về đặc điểm của chủng XBB và biến thể phụ XBB 1.5, PGS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Trường đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cho biết, XBB là một loại biến thể phụ do sự bắt chéo của hai biến thể cũ và tạo ra biến thể mới. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng biến thể phụ XBB có khả năng lẩn tránh miễn dịch, vì vậy các biến thể này làm tăng nguy cơ tái mắc COVID-19 ở người đã từng mắc COVID-19 chủng cũ.

Tuy nhiên, biến thể XBB này có sự xâm nhập vào tế bào kém hơn nên sự lây lan của XBB ít hơn. Còn đối với biến thể phụ XBB.1.5 là biến thể xuất phát từ XBB có đột biến về F468P và có tính lây lan cao hơn.

“Biến thể phụ XBB.1.5 nguy hiểm hơn biến thể XBB cổ điển. Điều này được chứng minh hiện 40% người mắc COVID-19 tại Mỹ là do biến thể phụ XBB.1.5. Với sự lây lan này, theo nhiều nguồn có thể vào Việt Nam và khi đó, công tác phòng chống dịch COVID-19 có thể sẽ gặp khó khăn hơn”, PGS Đỗ Văn Dũng thông tin.

Theo bà Lê Thiện Quỳnh Như, Phó Chánh văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, sự xuất hiện biến thể mới của Omicron không ngoài dự báo của các nhà khoa học. Qua hệ thống giám sát tại bệnh viện và cộng đồng, TP Hồ Chí Minh đã phát hiện biến thể XBB. Tuy nhiên, theo kết quả thì biến thể chiếm ưu thế hiện nay tại TP Hồ Chí Minh là biến thể BA.2.75. Cả 2 hệ thống giám sát tại bệnh viện và tại cộng đồng của TP Hồ Chí Minh đều chưa phát hiện biến thể XBB.1.5.

“Thời gian tới, do sự gia tăng giao lưu, đi lại của người dân trong dịp Tết nên việc xuất hiện biến thể phụ XBB.1.5 tại Việt Nam là khó tránh khỏi. Do đó, người dân không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch”, bà Quỳnh Như cảnh báo.

Phòng ngừa biến thể mới như thế nào?

Bà Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết, trước tình hình dịch COVID-19 như hiện nay, ngành y tế Thành phố vẫn tiếp tục triển khai và thực hiện tất cả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo Nghị quyết 38 của Chính phủ. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đối với hệ thống phòng, chống dịch của Thành phố đảm bảo phân công trực 24/24 trong những ngày Tết; đồng thời duy trì tất cả hệ thống báo cáo các bệnh truyền nhiễm lưu hành khác.

“Để ngăn ngừa bùng dịch COVID-19 trở lại, chúng tôi sẽ tăng cường giám sát ở các cửa khẩu với các vùng quốc gia, lãnh thổ đang có dịch COVID-19; tăng cường truyền thông ở các cửa khẩu để hành khách tuân thủ quy định phòng, chống dịch của Việt Nam. Còn trong cộng đồng, tất cả hệ thống giám sát dịch vẫn đang được duy trì gồm giám sát các ca bệnh hô hấp, hệ thống giám sát biến chủng mới…để khi có dấu hiệu cảnh báo dịch chúng ta có đáp ứng kịp thời”, bà Lê Hồng Nga cho biết.

PGS. Đỗ Văn Dũng cũng cho rằng, các biến thể mới xuất hiện có thể lây lan nhiều hơn nhưng vaccine COVID-19 hiện vẫn có khả năng bảo vệ các bệnh nhân bị nhiễm biến thể XBB không bị chuyển nặng hay tử vong. PGS Đỗ Văn Dũng lý giải thêm, vaccine phòng COVID-19 sẽ giúp tạo kháng thể và kháng thể này sẽ giúp chống lại sự xâm nhập của virus vào trong tế bào. Ngoài ra, vacicne còn giúp tạo ra miễn dịch tế bào và trí nhớ miễn dịch. Trí nhớ miễn dịch sẽ giúp tạo ra tế bào cũng như các kháng thể mới hơn khi có hiện tượng virus xâm nhập vào.

Bên cạnh đó, bà Lê Hồng Nga cũng cho rằng, dù biến thể mới của COVID-19 xuất hiện liên tục nhưng hiệu quả của việc tiêm phòng vaccine phòng ngừa COVID-19 vẫn luôn luôn có giá trị trong kiểm soát ca mắc, đặc biệt là ca nặng và tử vong. Tại thời điểm tháng 9/2022, nhờ chiến lược tiêm vaccine bao phủ toàn dân, miễn dịch cộng đồng đối với COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh đạt 98,7%. Tuy nhiên, hiệu quả bảo vệ cộng đồng của vaccine sẽ giảm theo thời gian nếu người dân không tham gia tiêm hoặc không tiêm nhắc lại đúng theo quy định.

Theo đó, ngành y tế kêu gọi người dân hãy cùng trách nhiệm bảo vệ và duy trì miễn dịch cộng đồng đối với COVID-19 bằng cách cho người thân trong gia đình và trẻ em từ 5 tuổi trở lên đi tiêm vaccine phòng COVID-19 nếu chưa tiêm và tiêm nhắc lại, tiêm bổ sung đúng theo quy định.

Theo đó, TP Hồ Chí Minh sẽ tổ chức đợt cao điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 xuyên Tết. Đợt cao điểm này sẽ thực hiện từ ngày 6/1 đến hết ngày 2/2, kể cả thứ Bảy, Chủ nhật và các ngày nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão. Thành phố sẽ tổ chức nhiều điểm tiêm trên khắp các địa bàn quận, huyện, thành phố Thủ Đức cũng như các bệnh viện; các điểm tiêm sẽ được treo băng rôn thông báo và đảm bảo an toàn tiêm chủng đầy đủ.

PGS. Đỗ Văn Dũng khuyến cáo: Để phòng bệnh, người dân vẫn tiếp tục các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 như trước đó như đeo khẩu trang, không tụ tập nơi đông người, khử khuẩn, rửa tay thường xuyên và tiêm vaccine phòng COVID-19 theo hướng dẫn của ngành y tế.

Theo Báo Tin tức