Công trình “Giáo dục văn hóa địa phương cho trẻ mầm non trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế”. Ảnh: L. Huy
Với 188 trang chính văn, tác phẩm được chia làm 3 chương chính: Lý luận về giáo dục văn hóa địa phương cho trẻ mầm non; Thực trạng giáo dục văn hóa địa phương cho trẻ mầm non trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và Biện pháp giáo dục văn hóa địa phương cho trẻ mầm non trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Sách còn có gần 100 trang phụ lục gồm các bảng hỏi phục vụ cho phân tích khoa học, giáo án thử nghiệm, hướng dẫn hoạt động trải nghiệm...
Đặc biệt, nhóm tác giả đã tuyển tập và xử lý nguồn học liệu văn hóa địa phương Thừa Thiên Huế phù hợp cho giáo dục mầm non với 3 loại hình chính: Văn học dân gian (truyền thuyết, cổ tích, câu đố); Âm nhạc dân gian (đồng dao gắn với trò chơi, dân ca lời mới) và Mỹ thuật dân gian (gốm Phước Tích, nón Phú Cam, trướng liễn làng Chuồn, đúc đồng phường Đúc, hoa giấy Thanh Tiên, làm tò he La Chữ).
Theo nhóm tác giả, đây là công trình nghiên cứu đầu tiên hệ thống hóa những vấn đề lý luận cơ bản về giáo dục văn hóa địa phương cho trẻ mầm non và đánh giá thực trạng giáo dục văn hóa địa phương cho trẻ mầm non trên địa bàn Thừa Thiên Huế.
Kết quả nghiên cứu ngẫu nhiên tại một số trường mầm non thuộc ba địa bàn nông thôn, thành thị và miền núi của Thừa Thiên Huế đã cho thấy 100% cán bộ quản lý đã chỉ đạo và 98,4% giáo viên đã thực hiện giáo dục văn hóa địa phương ở trường mầm non nơi họ đang công tác. Việc triển khai này dựa trên sự chỉ đạo của chính quyền các cấp, các ngành (trực tiếp là ngành giáo dục và văn hóa) bằng nghị quyết, công văn, kế hoạch và nhất là sự hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức xã hội, xã nhân ở địa phương.
Trong quá trình giáo dục văn hóa địa phương cho trẻ mầm non, mục tiêu mà những người làm công tác giáo dục mầm non hướng đến là: giúp trẻ có những hiểu biết ban đầu về văn hóa địa phương; có khả năng cảm nhận và thể hiện cái hay, cái đẹp trong văn hóa địa phương; hình thành tình cảm đối với quê hương và ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương; nâng cao năng lực sáng tạo văn hóa địa phương cho trẻ; bảo tồn, lan tỏa và phát triển văn hóa địa phương và đây cũng là bước thực hiện đổi mới trong giáo dục mầm non.
Trên cơ sở lý luận và kết quả nghiên cứu thực tiễn, công trình cũng đã xây dựng hệ thống biện pháp hướng dẫn giáo dục văn hóa địa phương cho trẻ mầm non trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, gồm: (1) Xây dựng học liệu văn hóa địa phương để giáo dục trẻ mầm non; (2) Giáo dục văn hóa địa phương theo hướng tích hợp; (3) Giáo dục văn hóa địa phương thông qua hoạt động trải nghiệm; (4) Thiết lập vòng tròn văn hóa địa phương với sự kết hợp giữa giáo dục nhà trường, giáo dục gia đình và giáo dục xã hội và (5) Xây dựng môi trường giáo dục mang bản sắc văn hóa địa phương.
Các biện pháp này được xây dựng trên các nguyên tắc: đảm bảo tính khoa học và tính giáo dục; đảm bảo tính thực tiễn và hiệu quả; đảm bảo đặc trưng của văn hóa địa phương và của từng hoạt động giáo dục cũng như đảm bảo tính pháp lý.
“Giáo dục văn hóa địa phương cho trẻ mầm non trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế” ra đời là nguồn tài liệu có ý nghĩa về mặt khoa học lẫn thực tiễn đối với các nhà quản lý và giáo viên mầm non. Công trình cũng thể hiện sự đóng góp của văn hóa trong việc xây dựng kiến thức, năng lực thẩm mỹ cũng như nuôi dưỡng những sáng tạo văn hóa trên nền tảng di sản văn hóa địa phương cho trẻ em. Đó cũng chính là cơ sở để kết nối trẻ với cội nguồn và xây dựng mô hình nhân cách cho tương lại gắn với niềm tự hào và ý thức giữ gìn sự đa dạng văn hóa.
Nguyên Ninh