Ngay khi đặt câu hỏi, chúng ta đã mang máng thấy ngay câu trả lời!

Chuyện ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, một tỉnh “thường thường bậc trung” của miền Trung về kinh tế, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ của tỉnh năm 2023 vừa diễn ra làm cho dư luận chú ý, với câu hỏi “làm như thế để làm gì?”

Câu hỏi này ông dành cho các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh Bình Định vì theo ông, có tình trạng làm khó dễ khi giải quyết, thực hiện các thủ tục hành chính. Tiện thể này ông cũng đề cập đến chuyện “sân trước sân sau”.

Chỉ là vấn đề của một địa phương, nhưng nó mang “bóng dáng” ở nhiều nơi. Có lẽ dư luận quan tâm cũng là chính điều này. Tình trạng sân trước sân sau chính là đặt quyền, lợi ích nhóm mà dư luận đã nói đến từ lâu và nay vẫn còn lặp lại. Có vẻ như xóa bỏ triệt để vấn đề này là không dễ?

Trở lại câu hỏi  “Làm như thế để làm gì” của ông Hồ Quốc Dũng.

Phàm đã dính dáng đến dự án là dính dáng đến chi tiêu ngân sách, tức là tiền công. Câu chuyện giải ngân đầu tư công chậm kéo dài nhiều năm nay có nhiều nguyên nhân, như vướng mặt bằng, từ thủ tục chậm trễ trong phê duyệt, năng lực thực hiện của B… thì chúng ta cũng không loại trừ nguyên nhân “làm khó dễ” của những người có trách nhiệm như ông Dũng nêu.

Chẳng ai rảnh để khó dễ mà chẳng để làm gì. Vô trách nhiệm thì cũng có thể hiểu được nhưng yếu tố này không cao. Vì sao vậy, vì nó có thể ảnh hưởng ngay đến sinh mệnh chính trị, công ăn việc làm, uy tín. Đã (có thể) ảnh hưởng đến sinh mệnh chính trị thì người ta ít có động lực để làm, nếu không phải đánh đổi một điều gì đó. Hàng loạt vụ án xảy ra trong thời gian gần đây cho chúng ta thấy rõ điều này. Chắc hẳn với trình độ học hành và địa vị chính trị cao của nhiều người, họ thừa ý thức được rằng, những hành động của họ có thể nguy hiểm đến sinh mệnh chính trị nhưng họ vẫn cứ làm. Động lực để thúc đẩy họ chính là tiền. Ưu ái cho "một ai đó" và nhận đến gần 15 tỷ đồng như ở Đồng Nai đã tạo ra một “lực đẩy” rất mạnh. Và họ đã đánh đổi với lực đẩy này. Khó dễ, nhỏ thì được “bôi trơn”, “lót tay” mà trong nhiều cuộc điều tra được sử dụng bằng một từ mỹ miều để mô tả là “chi phí phi chính thức”, tức là chẳng giấy má gì. Anh muốn được việc nhanh thì anh phải biết điều. Rằng tôi cũng có một quyền lợi ít nhiều gì trong đó.

Hồi xưa thì tình trạng khó dễ để được “bôi trơn” diễn ra ở nhiều nơi, nhiều ngành, nhiều địa phương. Nhưng công bằng mà nói, tình trạng này nay được hạn chế rất nhiều. Được hạn chế chưa hẳn là cán bộ thực thi của chúng ta tốt hơn lên mà chính là sự giám sát của cơ quan chức năng, của người dân được tăng cường. Sự phát triển của internet, mạng xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết thủ tục hành chính và công khai quy trình giải quyết; nhiều đường dây nóng để đón nhận các phản ánh, phản hồi từ phía người dân, doanh nghiệp được hình thành… để làm cho mọi vấn đề ngày càng công khai, minh bạch hơn (chưa hẳn là hoàn toàn) đã tăng cường thêm hiệu quả cho công tác giám sát. Việc này làm cho các cán bộ muốn khó dễ cũng khó hơn và cũng…"chờn”.

Đến đây thì chúng ta đã sáng tỏ: “khó dễ để làm gì”! Và cũng cần những người đứng đầu đau đáu vì dân, vì nước, vì quê hương như ông Nguyễn Quốc Dũng: “Làm cán bộ công chức Nhà nước mà làm thế để làm gì, có tạo ra sự phát triển gì cho quê hương này không, hay là gây khó gây dễ để người ta năn nỉ?”. Câu hỏi thứ hai của ông Dũng cũng đáng để chúng ta thấm.

Nguyên Lê