Công ty Tập đoàn Quế Lâm đã có những đầu tư để phát triển nông nghiệp bền vững
Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng
Áp dụng các giải pháp mô hình kinh tế xanh thay thế cho mô hình kinh tế truyền thống, vừa phát triển kinh tế nhưng vẫn bảo vệ được môi trường, là một hướng tiếp cận quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của Thừa Thiên Huế. Định hướng này phù hợp với định hướng của Bộ Chính trị khi ban hành Nghị quyết số 54 với mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh.
Định hướng này được thể hiện khá rõ trong hoạt động xúc tiến đầu tư.
Không phải ngẫu nhiên ngay sau khi “mở cửa kinh tế” trở lại (sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh), Thừa Thiên Huế tổ chức ngay hoạt động xúc tiến đầu tư với chủ đề “Gặp gỡ Thừa Thiên Huế xanh: Xác định tương lai tăng trưởng kinh tế xanh”. Tại hội nghị này, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh, đầu tư tăng trưởng xanh là mục tiêu xuyên suốt mà Thừa Thiên Huế hướng đến. Theo đó, tăng trưởng xanh dựa trên nền tảng du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ thông tin và truyền thông là đột phá, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng.
Nhiều chương trình, kế hoạch đã được xây dựng và ban hành khuyến khích đầu tư tăng trưởng xanh và “tiêu dùng xanh” ở phạm vi hẹp để phát triển bền vững. Việc tổ chức lồng ghép các chỉ tiêu tăng trưởng xanh vào các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã phần nào hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng xanh.
Theo nhận định của ông Phan Quốc Sơn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng kinh tế là cốt lõi, tuy nhiên không phải là tăng trưởng bằng mọi giá, hay đánh đổi môi trường để lấy tăng trưởng trong ngắn hạn.
Quan điểm nhất quán này là căn cứ để tỉnh từ chối nhiều dự án công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, nhiều dự án thương mại có nguy cơ phá vỡ cảnh quan... Câu chuyện từ chối đầu tư nhà máy kẽm của Trung Quốc ở Chân Mây - Lăng Cô hay đề nghị dự án Nhà máy nhiệt điện than chuyển hướng thành điện khí thiên nhiên hoá lỏng LNG là minh chứng.
Định hình đầu tư xanh
Cũng theo ông Sơn, để thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh trong dài hạn, việc định hướng ưu tiên đầu tư xanh trong hoạt động xúc tiến đầu tư là giải pháp cơ bản. Trong đó, chú trọng thu hút đầu tư vào những ngành có hàm lượng khoa học công nghệ cao nhất là trong phát triển lĩnh vực công nghiệp, phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng xanh bền vững; đẩy mạnh thu hút đầu tư vào du lịch xanh nhằm phát huy lợi thế về tài nguyên du lịch đa dạng phong phú, phù hợp với loại hình du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch xanh. Đồng thời, xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng đô thị Huế đồng bộ theo hướng thành phố vườn, đô thị sinh thái, cảnh quan, di sản, văn hóa và thân thiện với môi trường.
Theo đó, hoạt động xúc tiến đầu tư cũng được tập trung đổi mới, nâng cao hiệu quả đầu tư và công tác xúc tiến đầu tư theo hướng có trọng tâm, trọng điểm và đối tượng cụ thể phù hợp với cơ cấu kinh tế địa phương gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Ưu tiên kêu gọi nhà đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh để làm cơ sở thu hút nhà đầu tư thứ cấp, thu hút lao động từ các địa phương và nước ngoài đến sinh sống và làm việc tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Đẩy mạnh kêu gọi đầu tư dự án logicstic và cảng biển để tăng tính chủ động trong việc lưu thông hàng hoá và góp phần hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, để đảm bảo chuyển đổi phát triển năng lượng xanh, sạch nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050, ưu tiên kêu gọi đầu tư các nguồn năng lượng sạch, tái tạo như: điện gió, điện mặt trời, điện khí… để phát triển các nguồn năng lượng sạch, tái tạo hướng đến phát triển đô thị xanh, không gian khu công nghiệp xanh và bền vững.
Nhất quán trong mục tiêu tăng trưởng
Định hướng là vậy, tuy nhiên thực tế để đáp ứng được mục tiêu tăng trưởng xanh đòi hỏi các ngành, lĩnh vực phải tham gia ứng dụng công nghệ và đưa ra các giải pháp phù hợp. Đơn cử như ngành công nghiệp phải sử dụng điện năng lượng mặt trời, tái sử dụng nước thải, chất thải, thu gom carbon.
Theo đại diện Tập đoàn Vinatex, mục tiêu tăng trưởng xanh đang được doanh nghiệp cụ thể hóa bằng chiến lược “xanh hoá” nhà máy. Một trong những giải pháp doanh nghiệp đang triển khai chính là việc đẩy mạnh sử dụng năng lượng tái tạo. Cùng với đó, công ty tiếp tục đầu tư máy móc thiết bị công nghệ mới, hiện đại hướng tới các mục tiêu về phát triển bền vững.
Trong địa bàn các khu công nghiệp, vai trò định hướng trong hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư hạ tầng cũng góp phần không nhỏ trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng.
Lấy Khu công nghiệp Phú Bài 4 đợt 1 làm ví dụ. Khi ngay từ đầu, chủ đầu tư dự án đã định hướng khá rõ ràng về đầu tư hạ tầng xanh tương ứng với việc điều chỉnh tăng quy hoạch cây xanh, đầu tư hạ tầng xử lý nước thải…. Cụ thể nhất là điều chỉnh tăng quy hoạch cây xanh lên trên 15%, chưa bao gồm cây xanh khu vực trong từng dự án; đầu tư đồng bộ hệ thống thoát nước mưa, nước thải đấu nối với nhà máy xử lý nước thải…
Ông Ngô Hữu Quý, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển hạ tầng KCN khẳng định, với định hướng đầu tư khu công nghiệp xanh, Khu công nghiệp Phú Bài 4 đợt 1 sẽ ưu tiên thu hút các dự án nằm trong danh mục thu hút đầu tư có hàm lượng khoa học công nghệ cao, xí nghiệp công nghiệp kỹ thuật cao, công nghiệp nhẹ, công nghiệp sạch, đảm bảo các yêu cầu về môi trường. Hướng đến hình thành khu công nghiệp tổng hợp xanh, sạch.
xanh từ chính quyền, sở ngành đến từng doanh nghiệp hứa hẹn sẽ tạo nên những cú hích trong tăng trưởng Thừa Thiên Huế, hướng đến mục tiêu tăng trưởng nhanh nhưng bền vững.
Bài, ảnh: Hoàng Loan