Nhớ ngày chạp hằng năm, anh em họ hàng vác cuốc, cầm rựa vào rú chạp mộ tổ tiên. Từng người phát quang cây bụi xung quanh, nhổ cỏ trên mộ, quét dọn sạch sẽ rồi đốt hương khấn tổ tiên ông bà.
Buổi trưa, xong các việc, chúng tôi nằm bải hoải giữa đỉnh đồi cỏ hoang bạt ngàn gió. Cỏ chạy ngút mắt đến tận những ngọn núi xanh mờ xa. Cỏ len lén bên tôi, chạm nhẹ vào người như những ngón tay ve vuốt mỗi khi gió thổi. Những bông hoa mùa xuân lặng lẽ nở giữa miền hoang vu. Mặt trời hắt lên những tia nắng hiếm hoi giữa cơn mưa phùn tháng Chạp. Gió mang hương thơm của mùa xuân phân phát khắp nơi. Trên đồi cao hoang vắng, tôi hòa mình với thiên nhiên, giữa tự do thung thênh dường như chôn vùi những tất bật, lo toan nơi phố thị. Núi đồi thung sâu màu xanh biếc, hoa dại thầm thì nở hoang vu. Dưới khe nước chảy trong màu mắt, tất cả chìm đi trong tiếng chim kêu gọi bầy xào xạc nửa chừng xuân. Có bơi lội trong những câu hỏi lớn mới hiểu được cái đạo của đất trời.
Chợt nhớ lời Lão Tử trong Đạo đức kinh có nói: “Thượng thiện nhược thủy. Thủy thiện lợi vạn vật nhi bất tranh”, nghĩa là: nước là thiện nhất trong vạn vật, nước làm lợi cho vạn vật mà không tranh giành gì cả. Chỗ thấp nước chảy xuống, bao dung với vạn vật, cung cấp sự sống cho cỏ cây, cho con người một cách vô tư, bất vụ lợi. Cái đạo bất tranh, bao dung, làm lợi cho người khác hơn là việc tư kỷ cho mình quả thật là “thượng thiện”. Cũng giống như mùa xuân về, cái âm thầm, lặng lẽ của hóa công đã ban sức sống mới, vẻ đẹp mới phủ lên vạn vật mà chẳng bao giờ kể công, kể trạng. Đất trời quyện màu xuân, cỏ hoa đua nở, người cũng ôm lòng xuân rộn rã để đón chào một năm mới sang.
*
Đêm cuối năm bao giờ cũng có nhiều dư vị, ngấm một lần rồi nhớ mãi tháng ngày. Cơn mưa cuối năm tỉ tê mặt phố. Nhớ lời mệ nội tôi hát một bài dân ca kể về chuyện tình của hai người ngày mới yêu nhau. Bài hát của đồng xanh, của mưa, của ngàn gió.
“Ơ hờ... Gió vầm vập mưa lưng chừng nơi bể Bắc
Hạt mưa rơi tinh tang tích tắc rỉ rắc trước hàng hiên.
Muốn lơ đi mà ngủ, e sợ ngủ không yên
Sợ mai kia mưa già nước ngập không biết dựa con thuyền vào đâu
Hơ hơ hơ... ờ... ơ...
Ơ... non nước ơ non ờ....... ơ ờ”.
Mùa mưa dần qua, chiếc thuyền tình sử của người xưa lênh đênh giữa vùng nước quạnh hiu. Xứ Huế nặng tình, người yêu Huế nặng nghĩa. Tình yêu nảy nở trong lòng non nước Hương Bình khó quên đến vạn cổ. Yêu Huế đi vào lòng Huế như những người bạn vong niên chúng tôi rủ nhau đi du xuân sớm.
Qua những con đường rợp bóng tre, về những đồng quê đã xanh màu mạ của vụ mới, khắp nơi hối hả vào xuân. Về phố thì trời đã tối hẳn. Nhưng cái không khí tất bật cuối năm nhà nhà sắm tết, người người sắm tết khiến thành Huế trở nên sôi động hẳn. Tất cả tranh thủ mấy ngày còn lại để đem về những thứ tốt nhất, cần thiết nhất cho gia đình chuẩn bị đón năm mới sang. Chúng tôi ăn cháo gà ở chợ Bến Ngự ngắm dòng người qua lại đoạn chạng vạng của đêm tháng Chạp. Uống trà, hút thuốc lào ở ga nhìn bao người hân hoan xuống ga Huế về nhà, bao người nặng trĩu hành trang rời Huế về quê đón tết cận kề. Đi bộ giữa mênh mông phố.
Tôi nhớ những chiều lang thang trên đường Lê Lợi, dưới những tán long não dầm mình trong mưa đông. Rồi chồi non nhú lên, xanh mướt kỳ diệu chờ đón khoảnh khắc giao mùa. Nhớ những ngôi nhà đậm chất kiến trúc Pháp ẩn tàng bóng cây gợi nhớ bao lời ca sương khói. Màu vôi vàng truyền thống, những phần họa tiết tinh xảo, những mái ngói đỏ, những ô cửa vòm mộng mơ, thu hút sự hiếu kỳ tuổi trẻ. Nhớ ngôi nhà 26 Lê Lợi nơi anh em văn nghệ Huế một thời đến về, gửi gắm bao nhiêu ý tưởng sáng tạo, chứng kiến bao nhiêu chuyện vui buồn. Những ngày tết về, đường Lê Lợi vốn sầm uất chợt vắng hoe, chỉ có công viên và phố đi bộ dập dìu giai nhân tài tử du xuân. Những người bạn xưa đi về cùng nhau, trú mưa dưới những mái hiên dài ủ rũ, nhạt nhòa theo năm tháng. Nhưng một ý nghĩ lạ nảy mầm trong tôi rằng những con người phương xa ấy bây giờ sống thế nào thật sự như thế nào, tôi mong mỏi. Đêm giao thừa, pháo hoa sáng chói, rực rỡ trên Kỳ Đài, Huế như lung linh trong sắc màu thần thoại. Đó là những khoảnh khắc Huế sống, với gương mặt hân hoan, rạng ngời.
Huế đã đổi khác nhiều lắm mươi năm trở lại đây. Huế muôn đời đẹp và thơ. Huế hôm nay còn xanh, sạch, sáng đến nỗi bạn ở xa về nói mừng: “Huế cổ kính, mà luôn luôn mới mẻ, bất ngờ. Ai đã từng dành trọn buổi sớm mai sương khói hay buổi chiều tà mát mẻ đi một vòng dọc hai bờ sông Hương mới cảm nhận được sức sống kỳ diệu của thành Huế bây giờ. Những con đường đi bộ lát đá phẳng phiêu, sạch sẽ, những ghế công viên êm đềm trong bóng cây và đây đó những bồn hoa rực rỡ sắc màu, những tác phẩm điêu khắc gửi ta bao thông điệp với cuộc sống thường ngày. Đi xa một chút về những khu đô thị mới ở phía Đông, Đông Nam thành phố, Huế dường như là một đô thị nào khác của hiện đại, của phồn hoa. Một góc thành Huế mới mẻ, xứng tầm quy mô của đô thị trẻ đương thay da đổi thịt từng ngày với những tòa building cao ngất, những khu chung cư đông đúc, những khu đô thị chất lượng cao… Huế đi lên từng ngày, dần xứng tầm là một đô thị di sản, một trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu tương lai của nước nhà, của khu vực.
Tết đến, xuân về thật rồi, nghe ai đó đọc câu thơ cũ: “Một chén xuân đưa vạn dặm tình/ Cỏ thơm đứt ruột nát lòng oanh”. Tình với xuân luôn dạt dào, tình với Huế thì sâu thẳm. Tôi lắng nghe nhịp đập của thực tại, biết thời gian làm cho ta dễ lãng quên nhưng thời gian cũng là bạn vì thời gian chẳng xa lạ gì. Chiều nay, đứng trước bến Nghinh Lương Đình ngắm sông Hương đang chảy màu xuân, nhớ chuyện ái quốc của người xưa trăn trở. Bên kia đường, vườn mai cổ thụ đã bung 5 cánh lụa là, theo gió mà vương áo ai qua chiều. Xuân hôm nay cũng sẽ là ký ức, một ký ức lặng lẽ, dịu dàng. Cả không gian thành Huế chợt bừng lên, cháy mãi sức sống của vùng đất “văn mạch một phương” như lời của nhà bác học Lê Quý Đôn. Tôi hát theo mệ “Ơ... non nước ơ non ờ....... ơ ờ… thanh bình”.
Bài: Lê Vũ Trường Giang