Theo đề xuất mới, tuổi nghỉ hưu của người lao động Pháp se nâng lên đến 64 tuổi. Ảnh: Financial Times/NLD

Quyền được nghỉ hưu ở độ tuổi còn khá trẻ rất được trân trọng ở Pháp và cuộc cải cách này sẽ là một “phép thử lớn” đối với Tổng thống Emmanuel Macron trong việc mang lại sự thay đổi khi những bất mãn xã hội đang gia tăng do chi phí sinh hoạt leo thang.

Theo AFP, Thủ tướng Borne cũng sẽ đẩy nhanh các thay đổi khác trong hệ thống lương hưu nhằm kéo dài sự nghiệp của nhiều người lao động nếu họ muốn nghỉ hưu với đầy đủ chế độ lương hưu. Trong khi Chính phủ của Tống thống Macron coi động thái này là rất quan trọng để ngăn chặn hệ thống lương hưu không bị sụp đổ vì thâm hụt, thì phía các công đoàn lại cho rằng cải cách là không công bằng và không cần thiết.

Một cuộc thăm dò của Odoxa cho thấy cứ 5 công dân thì có 4 người phản đối việc tăng tuổi nghỉ hưu. “Có nhiều cách khác để tài trợ cho lương hưu hơn là tăng tuổi nghỉ hưu”, ông Frederic Perdriel, 56 tuổi, cho biết chi tham gia một cuộc biểu tình nhỏ ở thành phố Rennes để bày tỏ sự phản đối.

“Tôi biết rõ rằng việc thay đổi hệ thống lương hưu sẽ đặt ra nhiều câu hỏi và lo ngại cho người Pháp”, Thủ tướng Borne phát biểu trong một cuộc họp báo về vấn đề này, nhưng khẳng định chính phủ cần đưa ra một dự án nhằm cân bằng hệ thống lương hưu, và Pháp phải đối mặt với thực tế lao động.

Đại tu hệ thống lương hưu là trụ cột chính trong chương trình cải cách của Tổng thống Macron khi ông bước vào Điện Elysee vào năm 2017. Tuy nhiên, ông đã gác lại nỗ lực đầu tiên này khi chính phủ phải chiến đấu để ngăn chặn COVID-19.

Những thay đổi mới đề xuất sẽ được Quốc hội Pháp xem xét vào đầu tháng tới, và dự đoán sẽ không dễ dàng được thông qua. Tổng thống Macron và Thủ tướng Borne cần phải giành được sự ủng hộ của các nhà lập pháp bảo thủ Les Republicains (LR) trong những tháng tới để kế hoạch được phê duyệt.

Theo kế hoạch của chính phủ, tuổi nghỉ hưu của người lao động ở Pháp sẽ được tăng thêm ba tháng mỗi năm kể từ tháng 9 tới, và đạt độ tuổi mục tiêu 64 tuổi vào năm 2030.

Từ năm 2027, sớm hơn 8 năm so với kế hoạch trong các cải cách trước đây, người Pháp sẽ cần phải làm việc 43 năm để được hưởng lương hưu đầy đủ.

Ngoài ra, chính phủ cũng đề xuất các biện pháp khác nhằm tăng tỷ lệ việc làm ở những người từ 60-64 tuổi, khi Pháp là một trong những nước có tỷ lệ làm việc ở độ tuổi này thấp nhất trong số các quốc gia công nghiệp hóa hàng đầu thế giới.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), là một trong những quốc gia có độ tuổi nghỉ hưu thấp nhất trong các nước công nghiệp hóa, Pháp cũng chi nhiều hơn hầu hết các quốc gia khác cho lương hưu với mức gần 14% sản lượng kinh tế.

Bảo Nghi (Lược dịch từ AFP & Reuters)