Hai vợ chồng chị đều là lao động tự do, ai thuê chi mần nấy. Thu nhập bấp bênh nên cứ đến tết là chị lo đủ chuyện, ít ra con trẻ cũng phải có manh áo mới. Huế những ngày cuối năm thật lạnh, những chiếc áo ấm năm ngoái con chị không tài nào mặc được khi cô bé ngày một phổng phao. Buổi sáng nhìn con đến lớp, chị lại ước ao, giá mà có đủ tiền, sẽ mua cho con chiếc áo thật dày dặn, vừa đủ ấm, lại không phải mặc cảm với bạn bè.

Hôm nay khi con tan học, cô bé chạy chân sáo về nhà. Chị không nhận ra được con mình, cô bé được tặng áo quần ấm, đôi giày thể thao, điều mà bao lần chị hứa mua cho con mà chưa được. Vẫn chưa hết, em còn đem ra một bọc quà để bố mẹ có thể bày biện ngày Tết. Mắt chị ngấn nước cảm động vì nhà trường đã quan tâm đến học sinh nghèo. Chị bảo, cực quá, tôi tính ra năm cho con sang nhà dì trông em, nhưng cô giáo nhất quyết không chịu. Cô trích tiền túi, rồi vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ, hơn nữa, con bé lại thích học nên tôi đành bỏ ý định cho con nghỉ học giữa chừng.

Trên các trang facebook của các trường, chưa năm nào bùng nổ hình ảnh như năm nay khi có rất nhiều cách vận động, quyên góp để hỗ trợ học sinh nghèo. Theo hiệu trưởng của một số trường, tỷ lệ học sinh nghèo, bố mẹ không có việc làm hoặc việc làm không ổn định có chiều hướng gia tăng. Không để các em bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn nên các trường đã nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và hỗ trợ các em kịp thời. Mới đây, một giáo viên chủ nhiệm dạy trung học cơ sở chia sẻ, lớp mình có một học sinh học rất giỏi nhưng sống ở trung tâm bảo trợ xã hội. Tết cháu không có người thân đem về, nên tôi làm thủ tục với trung tâm xin đón cháu về nhà ăn Tết.

Thực tế, giờ đây rất ít học sinh ham học, có ý chí và phụ huynh thiết tha cho con học nhưng vì nghèo mà phải bỏ học, bởi các trường học đều có những chính sách hỗ trợ, vận động giúp đỡ những em có hoàn cảnh khó khăn. Miễn là, các em đến trường, có động lực học tập là thầy cô sẵn sàng giúp gần như tất cả. Từ tiền chi phí học tập, gạo, xe đạp, quần áo và các dụng cụ học tập cần thiết khác…Còn nhớ câu chuyện của một thầy hiệu trưởng ở một xã khó khăn, khi biết tin có nhiều học sinh dân tộc có khả năng nghỉ học khi bố mẹ không có điều kiện đưa đón khi nhà cách trường 12km. Chỉ trong vòng mấy ngày, nhà trường đã kêu gọi các nhà tài trợ để hỗ trợ xe đạp cho các em, thậm chí, có nhiều trường hợp một tháng được hỗ trợ 300.000 đồng để các em yên tâm đến lớp.

Cũng vì những em có nguy cơ bỏ học, hoặc đã nghỉ học không có động lực và không có sự hợp tác của cha mẹ mới dẫn đến tình trạng học sinh bỏ học. Và đây, cũng chính là nỗi vất vả của thầy cô chủ nhiệm. Có những lúc giáo viên đến gặp được phụ huynh hoặc điện thoại cho phụ huynh nhưng họ không hợp tác và có những lời lẽ khó chịu với giáo viên, không muốn thầy cô làm phiền họ và theo phụ huynh thì họ tự lo cho tương lai của con mình.

Cuối năm, giáo viên chủ nhiệm lo nhất là hao hụt sĩ số lớp học khi ra Tết. Tuy nhiên, muốn giảm và tiến tới không còn tình trạng học sinh bỏ học có lẽ một mình thầy cô giáo không làm được. Điều cốt yếu là động lực học tập của học trò và sự hợp tác của phụ huynh học sinh và sự tiếp sức kịp thời của các nhà hảo tâm đối với học sinh nghèo vượt khó.

An Nhiên