Thăm hỏi, tặng quà cho người có công, gia đình chính sách là nghĩa cử nhân văn được tỉnh và nhân dân quan tâm

Ông Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội phát biểu, năm 2022, trong lĩnh vực xã hội, lao động - việc làm, toàn ngành LĐTB&XH đã nỗ lực cao nhất để triển khai một cách đồng bộ, kịp thời và hiệu quả các chính sách xã hội, nhất là chính sách về người có công, bảo trợ xã hội, giảm nghèo đa chiều, các chính sách bảo trợ người yếu thế, người cao tuổi, trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ bị mồ côi do đại dịch COVID-19. Công tác cứu trợ khẩn cấp triển khai có hiệu quả với nhiều chính sách đi trước, đi sớm và hiệu quả, đời sống nhân dân cơ bản ổn định và từng bước được cải thiện.

Ngành đã tham mưu các chính sách hỗ trợ hơn 104 nghìn tỷ đồng cho 68,67 triệu người dân, người lao động và 1,4 triệu người sử dụng lao động. Người dân bị thiệt hại do thiên tai, lũ lụt, thiếu đói được trợ giúp đột xuất kịp thời. Đồng thời triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Các giải pháp điều tiết thị trường lao động, các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước đã giúp thị trường lao động phục hồi nhanh chóng; đã giúp các khu công nghiệp, khu chế xuất, các vùng kinh tế trọng điểm cơ bản duy trì được lực lượng lao động ổn định, không để gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, góp phần cùng cả nước phục hồi, phát triển kinh tế của đất nước sau đại dịch COVID -19. Trong năm, đã đưa gần 143 nghìn lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, đạt gần 160% kế hoạch đề ra, gấp hơn 3 lần năm 2021. Bên cạnh đó, toàn ngành đã hoàn thành 100% nhiệm vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức thành công chuỗi các hoạt động, sự kiện sâu rộng, thiết thực, nhân văn.

Triển khai kịp thời nhiều chính sách góp phần đảm bảo an sinh xã hội 

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH cũng chỉ ra những vấn đề cần giải quyết trong năm 2023 và thời gian tới, đó là tác động nảy sinh do già hóa dân số; sự thay đổi trên thế giới về vấn đề việc làm; biến đổi khí hậu; việc làm phi chính thức, tỷ trọng lao động trong khu vực phi chính thức vẫn ở mức cao; đổi mới sáng tạo...

Năm 2023, ngành nỗ lực tham mưu Chính phủ trình Ban Chấp hành Trung ương ban hành một nghị quyết về chính sách xã hội giai đoạn 2023 - 2035, tầm nhìn 2045 với mục tiêu phát triển chính sách toàn diện, bền vững, hiện đại. Sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm, hình thành mạng lưới an sinh xã hội theo yêu cầu đổi mới và phát triển, đảm bảo nâng cao khả năng phòng ngừa, chống chịu và khắc phục rủi ro của nhân dân; thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng, nâng cao hiệu quả an ninh, an sinh của người dân, tạo môi trường để mọi người dân đều có cơ hội tham gia đóng góp và thụ hưởng thành quả của cách mạng.
Về lâu dài, ngành tiếp tục rà soát hoàn thiện toàn bộ khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách để xây dựng và hình thành từng bước thị trường lao động linh hoạt, đồng bộ và hiện đại, thúc đẩy tăng năng suất lao động từ nền tảng lực lượng nhân lực khoa học công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh quốc gia.

Giải quyết việc làm ổn định cho người lao động luôn được ngành thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt

Đối với Thừa Thiên Huế, năm 2023, ngành lao động, người có công và xã hội tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 3,17%. Nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, tạo nhiều mô hình sản xuất gắn với việc làm ổn định cho người dân. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%, với chỉ tiêu tuyển sinh, đào tạo nghề cho 17.000 học viên ở các cấp trình độ. Giải quyết việc làm cho 17.000 lao động, trong đó đưa 2.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và đưa tỷ lệ thất nghiệp thành thị xuống dưới mức 2,2%.

Tin, ảnh: HOÀI THƯƠNG