Học sinh cần cẩn trọng trong chọn tổ hợp (ảnh minh họa)

Chọn môn học theo ngẫu hứng

Giữa học kỳ 1, Trường THPT Hai Bà Trưng có khoảng hơn 10 em lớp 10 làm đơn xin được chuyển môn/ tổ hợp môn với lý do không thích học môn lựa chọn, hoặc sức học không theo kịp. Hiệu trưởng Ngô Đức Thức cho biết, tất cả các đơn đều nêu lý do thuyết phục, phụ huynh ký tên, nhà trường đã giải quyết theo nguyện vọng để các em học đúng với năng lực, sở trường của mình.

Năm học 2022-2023 là năm đầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới ở bậc THPT với lớp 10. Vì thời gian tìm hiểu ngắn, nhiều phụ huynh đưa ra lý do sau một học kỳ thì thấy con không phù hợp với định hướng nghề nghiệp nên muốn chuyển tổ hợp. Chưa kể, nhiều học sinh chọn môn học còn cảm tính, dẫn đến tình trạng có lớp sĩ số học sinh/lớp khá cao, có lớp ít học sinh. Có trường hợp học sinh xin chuyển một, hai môn trong cùng một tổ hợp môn.

Cũng có em xin chuyển từ tổ hợp môn này sang tổ hợp môn khác theo khối thi đại học. Ví dụ, học sinh đã xác định chọn khối A1 gồm: Toán, vật lý, hóa học, nhưng sau một thời gian lại muốn đổi sang khối khác vì khó quá thì môn tự chọn mới sẽ không có điểm học kỳ I. Khó khăn thêm khi ai sẽ dạy môn học mới cho học sinh khi các em có nhu cầu chuyển tổ hợp môn? Bởi một số yêu cầu đi kèm (như quy định về chế độ, chính sách cho giáo viên khi dạy bổ sung kiến thức cho học sinh trong trường hợp các em có nhu cầu chuyển đổi môn học) chưa có, việc bồi dưỡng kiến thức theo hình thức nào không được hướng dẫn cụ thể, khiến trường lúng túng trong triển khai thực hiện.

Về nguyên tắc, hiệu trưởng các trường phải cố gắng giải quyết cho học sinh xin chuyển tổ hợp môn, vì quyền lợi của các em là trên hết. Hơn nữa, Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông (áp dụng từ năm học 2022-2023 đối với lớp 7 và lớp 10) không có điều khoản nào cấm học sinh chuyển tổ hợp môn. Tuy vậy, hiệu trưởng một số trường thừa nhận, việc cho học sinh chuyển tổ hợp môn ngay thời điểm giữa học kỳ 1 hay cuối học kỳ 1, giữa học kỳ 2, cuối năm học lớp 10 đều nan giải. Bởi lẽ, các em phải hoàn thành chương trình học ở thời điểm xin chuyển tổ hợp, sau đó mới thực hiện các bài kiểm tra theo quy định.

Được đổi nguyện vọng vào cuối năm

 Tại Hội nghị đánh giá tình hình triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 đến năm học 2022-2023, diễn ra mới đây, nhiều địa phương đề cập đến vấn đề chuyển trường, chuyển tổ hợp sau một thời gian học cho học sinh lớp 10. Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học cho biết, không khuyến khích học sinh chuyển tổ hợp, chuyển trường trong học kỳ một mà phải đợi hết năm học. Còn việc học sinh có nguyện vọng chuyển giữa hai tổ hợp trong cùng một hướng, nghĩa là chỉ chuyển 1 môn học, thì về nguyên tắc có thể thực hiện với điều kiện học sinh phải hoàn thành chương trình môn học ở lớp 10 trong hè (trên nguyên tắc tự nguyện và được thực hiện tương tự như trường hợp học sinh phải kiểm tra, đánh giá lại môn học chưa đạt yêu cầu trong hè) trước khi được học tiếp môn đó ở lớp 11.

Còn nếu học hết lớp 10 mà học sinh muốn đổi hẳn sang định hướng khác (chẳng hạn từ định hướng khoa học xã hội sang khoa học tự nhiên) là vô cùng khó khăn, vì khi đó học sinh phải học lại hầu hết các môn học lựa chọn ở lớp 10, mà trong khoảng thời gian hè khó có thể hoàn thành.

Một bất cập lớn hiện nay là học sinh rất khó chuyển trường. Nếu như trước đây, học hết học kỳ I, lớp 12 các em vẫn có thể chuyển khối thi thì nay không thể thực hiện. Ví dụ, học sinh ở trường cũ có dạy môn này, nhưng đến trường mới không có; hoặc đang học khối này muốn chuyển sang khối khác cũng rất bất cập. Khi đó, học sinh dễ bị hổng kiến thức các môn trong tổ hợp, nhưng nhà trường không thể bố trí giáo viên dạy bù kiến thức, gây khó khăn cho trường và học sinh.

Việc lựa chọn các bộ môn tự chọn của học sinh cần tập trung ở sự phù hợp của định hướng nghề nghiệp của bản thân và tổ chức của nhà trường. Các trường sẽ có nhiều phương án chủ động trong việc bổ sung kiến thức khi có sự thay đổi. Ngoài ra, học sinh cũng cần chủ động trong các phương án lựa chọn của mình để hạn chế sự thay đổi ảnh hưởng đến thời gian, tâm lý... Thầy giáo Nguyễn Vinh Hưng, Hiệu Trưởng Trường THPT An Lương Đông bày tỏ.

Bài, ảnh: Huế Thu