Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình (phải) tặng hoa chúc mừng thành tựu của Đại học Huế

Thành tựu từ chuyển đổi số

Cùng nhiều khách mời từ các trường trung học phổ thông có mặt ở studio Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế, tôi cùng nhiều thầy, cô giáo không khỏi ấn tượng với những chương trình tư vấn tuyển sinh hay chương trình “Đồng hành cùng giáo dục trực tuyến”. Nhiều kinh nghiệm quý giá được chuyển tải qua hình thức online, dưới những kịch bản chỉn chu và máy móc, thiết bị hiện đại. Qua điện thoại, cô giáo Âu Tuyết Trang, giáo viên Trường tiểu học Phạm Hồng Thái (quận 5, TP. Hồ Chí Minh) cũng không tiếc lời khen ngợi: “Cách làm ấy đã gỡ khó cho nhiều giáo viên trong bối cảnh dịch vừa qua thực sự hiệu quả”.

Giáo dục ĐH vừa trải qua một thử thách lớn do dịch COVID-19, nhưng cũng chính từ “thước đo” ấy, ĐH Huế đã chứng tỏ được thành tựu chuyển đổi số, khi hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế và các mặt công tác được ứng dụng số hóa một cách phù hợp, mang lại những kết quả khả quan.

Các chuyên gia tham quan hệ thống quản lý công nghiệp 4.0 bằng công nghệ IoT tại Khoa Kỹ thuật và Công nghệ - ĐH Huế

PGS.TS. Lê Anh Phương, Giám đốc ĐH Huế cho biết, đối với ĐH Huế, việc ứng dụng công nghệ thông tin, bước đầu của chuyển đổi số được ĐH Huế triển khai khoảng gần 20 năm về trước, đơn cử như hệ thống e-learning, học liệu số, đào tạo trực tuyến, quản lý thông tin qua hệ thống… Song, thời điểm ấy, các hệ thống, nền tảng, dữ liệu còn cát cứ, rời rạc, chưa tập trung và chưa có tính kết nối trong toàn ĐH Huế. Cho đến khi đại dịch COVID-19 xảy ra, nhu cầu chuyển đổi số trở nên bức thiết. Cũng từ nhu cầu thực tế, ĐH Huế đã đẩy nhanh các hoạt động quản trị thông qua môi trường mạng, bằng các hướng dẫn, quy trình, quy định về dạy, học, bảo vệ luận văn, luận án, các hoạt động hội họp… được tổ chức online, sử dụng chữ ký số, chữ ký điện tử… Cách làm ấy đã để lại nhiều đánh giá tích cực về mô hình ĐH thông minh đang dần hình thành, với mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị, nâng cao chất lượng đào tạo, phục vụ cho sự phát triển.

Không chỉ là ứng dụng công nghệ thông tin vào chuyển đổi số, ĐH Huế đã xây dựng kế hoạch dài hạn, trong đó ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số; xây dựng các chương trình, mô hình liên kết, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ chuyển đổi số, hằng năm cho ra trường từ 3.000 - 5.000 sinh viên chuyên ngành công nghệ thông tin phục vụ công cuộc phát triển nền kinh tế số, xã hội số.

Khoa Kỹ thuật và Công nghệ - ĐH Huế ứng dụng mô hình chuyển đổi số trong đào tạo

Nhìn vào cách thức hoạt động của ĐH Huế hiện nay, có thể thấy cơ sở giáo dục ĐH trên đất Cố đô đã tích hợp và tận dụng tối đa giá trị của dữ liệu lớn thu thập được trong lĩnh vực giáo dục một cách liền mạch, tìm hiểu sâu nguồn dữ liệu từ đâu và nó có thể mang lại lợi ích gì, từ đó, cải thiện chương trình giảng dạy, quy trình quản lý.

Một trong những điểm đáng mừng là các hoạt động cốt lõi như: Duy trì đào tạo thích ứng với nhu cầu người học cả trực tiếp và trực tuyến bằng việc biên soạn bài giảng, tài liệu; xây dựng dữ liệu dùng chung; cơ sở vật chất, đường truyền đảm bảo; xây dựng đội ngũ có thể đáp ứng yêu cầu công nghệ; xây dựng dữ liệu cho nghiên cứu khoa học... đều được thực hiện hiệu quả. Từ những nền tảng dữ liệu đó, công tác quản lý, điều hành của toàn hệ thống ĐH Huế được dễ dàng hơn, phân tích các dữ liệu cũng đã hỗ trợ cho việc ra các quyết định trong điều hành.

Hướng đến một đại học thông minh

Hơn 65 năm xây dựng và phát triển, khó kể hết những thành tựu của ĐH Huế. Nhưng, có thể thấy, mỗi giai đoạn gắn với những thành tựu khác nhau và trong bối cảnh số, ĐH Huế đang làm tốt các mục tiêu để hướng đến một ĐH thông minh, xây dựng cơ sở giáo dục trên mảnh đất Cố đô thành một ĐH Quốc gia.

PGS.TS. Lê Anh Phương khẳng định, tầm nhìn của ĐH Huế được xác định trong chiến lược phát triển là hướng đến một hệ thống ĐH nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực, tiên phong, trọng điểm của hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam và xếp hàng đầu châu Á, nhóm 500 thế giới vào năm 2045. ĐH Huế kiên định mục tiêu và định hướng phát triển thành ĐH Quốc gia theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 83 của Chính phủ. Trên nền tảng thế mạnh đa ngành, đa lĩnh vực, đội ngũ có trình độ cao vào top 3 cả nước, ĐH Huế sẵn sàng thay đổi linh hoạt để phù hợp với sự phát triển của xu thế xã hội, quốc tế. Trong quá trình đổi mới, ĐH Huế xác định chuyển đổi số chính là yếu tố đóng vai trò quan trọng, hỗ trợ cho quá trình thay đổi nhanh chóng đó.

ĐH Huế đã và đang tập trung vào 5 nhóm vấn đề, bao gồm: xây dựng và triển khai mô hình Quản trị trong các cơ sở giáo dục đào tạo; tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, giáo viên trong các cơ sở giáo dục nói chung (bao gồm cả giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục ĐH) tri thức về chuyển đổi số. Bên cạnh đó, ĐH Huế cũng đẩy mạnh số hóa dữ liệu, bao gồm cả việc số hóa nguồn học liệu phục vụ cho công tác giáo dục và đào tạo, cũng như số hóa dữ liệu trong công tác quản lý giáo dục các cấp; xây dựng hệ thống nền tảng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý và đào tạo trở thành vấn đề có tính cấp thiết đối với mọi cơ sở giáo dục, đào tạo. Đồng thời, vấn đề đổi mới phương pháp giáo dục, đào tạo và phương thức đánh giá kết quả giáo dục cũng chính là khâu then chốt, quyết định tới việc thúc đẩy chuyển đổi số và nâng cao chất lượng giáo dục cũng đang được ĐH Huế quan tâm đẩy mạnh.

Quá trình chuyển đổi số đòi hỏi sự phát triển đồng bộ về nền tảng công nghệ, tài chính, nhân lực. Song, ĐH Huế luôn xác định yếu tố nhân lực là hàng đầu, nhất là nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công nghệ và việc chuyển đổi số trong giáo dục. Quá trình đó không chỉ đơn thuần là việc sử dụng một số công nghệ như phương tiện mà có thể là các yếu tố thay đổi quá trình dạy học, tạo ra một hệ sinh thái hiện đại.

Tin vui ngay trước thềm năm mới là ĐH Huế sẽ thành lập Viện Chuyển đổi số và Học liệu - ĐH Huế. Đơn vị này sẽ thực hiện chức năng tham mưu, nghiên cứu, triển khai và ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào tất cả các hoạt động của ĐH Huế, trong đó sẽ có nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào các lĩnh vực y học, sinh học và chuyển đổi số trong các lĩnh vực đặc thù khác nhau, hướng đến người học là gần 50 ngàn học sinh, sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh. Tất cả những giải pháp hiệu quả sẽ giúp ĐH mạnh mẽ trở thành một ĐH thông minh.

Bài, ảnh: Hữu Phúc