Rừng Thừa Thiên Huế được chọn nằm trong chương trình ERPA
Theo báo cáo tại hội thảo, chương trình giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) là chương trình đầu tiên về chi trả dựa vào kết quả giảm phát thải khí nhà kính ở Việt Nam với mục tiêu giai đoạn 2018 - 2025 giảm phát thải 25 triệu tấn khí CO2; trong đó có 10,3 triệu tấn CO2 có thể sẽ nhận được khoản lợi ích các-bon từ nguồn chi trả dựa vào kết quả từ Quỹ đối tác các-bon trong lâm nghiệp của Ngân hàng Thế giới với đơn giá khoảng 5 USD/tấn.
Theo đó chương trình sẽ tiếp cận nguồn tài chính khoảng 51,5 triệu USD từ nguồn quỹ này và được chi trả cho các chủ rừng, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư khu vực miền núi tại 6 tỉnh Bắc Trung Bộ.
Dịp này, đại diện PanNature chia sẻ những lợi ích của việc thực hiện Chương trình giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ, giai đoạn 2018-2025, như: Nguồn chi trả phải bảo đảm công bằng, đóng góp cho việc cải thiện sinh kế của cộng đồng dân cư sống phụ thuộc vào rừng; hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng các-bon rừng. Mức hưởng lợi của các tỉnh dựa vào tỷ lệ đóng góp kết quả giảm phát thải, được điều chỉnh bằng tỷ lệ rừng tự nhiên của tỉnh so với tổng diện tích rừng tự nhiên của toàn vùng...
Qua những lợi ích của Chương trình đề cập trên, cũng trong dịp này, các đại biểu đã trao đổi tham vấn về các hoạt động hỗ trợ quá trình chuẩn bị và thực hiện ERPA tại Thừa Thiên Huế, như vai trò, lợi ích của các tổ chức xã hội tham gia, quá trình lập kế hoạch, giám sát, nghiệm thu đánh giá chương trình ERPA tại địa phương...
Tin, ảnh: SONG MINH