Cầu Dã Viên qua sông Hương
Phải dùng điện thoại, chấp nhận sự “trách cứ” để bạn chỉ đường mới tới được. Bạn cho biết: Để có được những tuyến đường thoáng đãng ngang trước nhà, gia đình bạn đã hiến hơn 40 mét đất. Ở đây ai cũng nghĩ, làm đường trước hết là thuận tiện cho mình và con cái đi lại nên rất nhiệt tình…
Điều thú vị là từ khi tuyến đường qua xóm được xây dựng khang trang, người dân cũng mạnh dạn đầu tư xây dựng, sửa sang nhà, sân, cửa ngõ cho “tương xứng”; góp tiền bắt điện đường, trồng hoa… khiến khu xóm hẻo lánh ngày nào giờ trở nên tươi sáng. Thực tế này đang diễn ra sôi động trên khắp các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững là một trong những nội dung được các địa phương lồng ghép trong phát triển đô thị, theo tinh thần Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, nhằm xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, với các đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh… Theo đó, các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội đã tích cực, thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”, thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”…
Lãnh đạo tỉnh và các đoàn Trung ương cũng thường xuyên về tận cơ sở để làm việc, động viên chính quyền và người dân xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững; giữ gìn, phát huy những di sản văn hóa… như một nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà theo tinh thần Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Tinh thần này đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ phía người dân. Con số ấn tượng, bình quân mỗi năm, toàn tỉnh đã huy động khoảng 1.000 tỷ đồng để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; trong đó, người dân, doanh nghiệp đã đóng góp nguồn lực đáng kể để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất… Tính đến tháng 10/2022, đã có 68/94 xã và 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; đồng thời xây dựng mô hình “Xã thông minh” thí điểm tại xã Quảng Thọ (Quảng Điền) và xã Vinh Hưng (Phú Lộc). Công tác giảm nghèo cũng diễn ra sôi động trên khắp các làng quê, với nhiều hành động thiết thực. Theo dự thảo Đề án giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đặt mục tiêu giảm nghèo theo hướng đa chiều, bao trùm và bền vững; phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn tỉnh giảm còn 2,0 - 2,2%...
Về các vùng nông thôn hôm nay, dễ dàng được đi trên những tuyến đường khang trang, rộng rãi đầy hoa, ban đêm có điện đường chiếu sáng. Đời sống của người dân không ngừng cải thiện, nâng cao; các dịch vụ thông minh được đa phần người dân sử dụng; giá trị văn hóa làng, xã được bảo tồn, phát huy. Người dân vẫn tiếp tục xây dựng và giữ gìn cảnh quan môi trường nông thôn theo hướng xanh - sạch – sáng, tiến tới hình thành các vùng quê đáng sống…
Cùng với nhiều chương trình, dự án lớn mang tầm quốc gia và quốc tế đã và đang được triển khai, kết quả từ cuộc vận động xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững là một trong những “hạ tầng”, động lực quan trọng để cả tỉnh sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.
Bài: Đặng Thành
Ảnh: Nguyễn Phong