Người dân vẫn ưu tiên gửi vốn nhàn rỗi vào ngân hàng

Sức hút lãi suất

Trước diễn biến tăng lãi suất của thế giới và áp lực lạm phát trong nước gia tăng, NHNN Việt Nam đã thực hiện 2 lần điều chỉnh tăng các mức lãi suất điều hành (tổng mức tăng 2%/năm) và tăng lãi suất tiền gửi tối đa bằng VNĐ kỳ hạn dưới 6 tháng tại TCTD với tổng mức tăng 0,8-2%/năm, tăng 1%/năm lãi suất cho vay tối đa bằng VNĐ đối với một số lĩnh vực ưu tiên. Đây được cho là giải pháp kịp thời, phù hợp với xu hướng chung trên toàn thế giới để ưu tiên kiểm soát lạm phát và giữ ổn định thị trường ngoại tệ trong những tháng cuối năm.

Trước động thái này, các TCTD trên địa bàn đều tiến hành điều chỉnh lãi suất huy động bằng VND và đa phần đang áp dụng ở mức tối đa 1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn hoặc có kỳ hạn dưới 1 tháng; kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng duy trì ở mức tối đa 6%/năm. Lãi suất huy động bằng VNĐ đối với kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng, dao động trong mức 6,1%-8,2%/năm. Đối với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên dao động trong khoảng 7,4%/năm đến 8,9%/năm (bao gồm lãi suất online).

Nhiều TCTD còn chấp nhận trả lãi suất tiền gửi lên tới hơn 10% cho kỳ hạn 12 tháng, 18 tháng. Chưa hết, cuối năm một số ngân hàng cũng điều chỉnh biểu lãi suất kèm các quà tặng, khuyến mãi để tạo một nền lãi suất hấp dẫn hơn đối với người gửi tiền. Vì thế, thay vì đầu tư vào các kênh khác, như bất động sản, chứng khoán hay vàng… nhiều người chọn đầu tư vào tiết kiệm.

Chị Nguyễn Trần Khánh Vân, thành phố Huế chia sẻ, khả năng sinh lời từ 9 đến 10%/năm như lãi suất các ngân hàng đang áp dụng là một tỷ lệ rất “đẹp” mà nhà đầu tư có thể chấp nhận được. Chưa nói trong tình hình kinh tế đang có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay, việc ưu tiên kênh đầu tư an toàn, không “bỏ tất cả trứng vào một giỏ” sẽ giảm thiểu những rủi ro. Đó là lý do mà tôi lựa chọn gửi một phần tiền nhàn rỗi vào ngân hàng thay vì mang tất cả đi đầu tư như trước.

Tiết kiệm vẫn được ưu tiên 

Dòng tiền nhàn rỗi vẫn đang "chảy" vào ngân hàng khi các kênh đầu tư khác không còn an toàn

Theo phân tích của NHNN chi nhánh tỉnh, trong năm 2022, thị trường tài chính xuất hiện nhiều yếu tố rủi ro, thị trường chứng khoán có nhiều biến động, sự bất ổn trong thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản nguy cơ bước vào giai đoạn suy thoái. Mặt khác đến cuối năm 2022, chỉ số CPI bình quân năm tăng 3,51%, lạm phát nước ta được kiểm soát dưới 4%. Vì thế, khi khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn từ 6 tháng trở lên vẫn được hưởng lãi suất thực dương. Nếu có nguồn vốn nhàn rỗi trong dài hạn thì gửi tiết kiệm vẫn sinh lời và tránh được các rủi ro. Đó cũng là lý do nguồn vốn huy động trên địa bàn tăng trưởng cao so với những năm trở lại đây, nhất là 3 tháng cuối năm.

Theo số liệu mới công bố của NHNN chi nhánh tỉnh, tính đến cuối năm 2022, tổng nguồn vốn huy động tại các TCTD trên địa bàn có mức tăng trưởng cao so với năm trước, đạt gần 60.457 tỷ đồng, tăng 4.837 tỷ đồng, tương ứng tăng 8,7% so với đầu năm (năm 2021 tăng 4,38%). Trong đó, tiền gửi khách hàng đạt 17.883 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 29,6% tổng vốn huy động, tăng 7,25% so với đầu năm; tiền gửi tiết kiệm đạt 40.933 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 67,8%, tăng 7,53% so với đầu năm; phát hành giấy tờ có giá đạt 1.574 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 2,6%, tăng 79% so với đầu năm.

Đánh giá về triển vọng tiền gửi năm 2023, Công ty Chứng khoán Rồng Việt kỳ vọng, tiền gửi khu vực dân cư sẽ có dấu hiệu phục hồi trong năm 2023 khi bong bóng đầu cơ đất đai xẹp; kênh đầu tư vàng, USD hạ nhiệt; thị trường tài sản (trái phiếu, cổ phiếu) giảm tính hấp dẫn do nhà đầu tư cân đối lại kỳ vọng lợi nhuận/rủi ro.

Thực tế, việc duy trì lãi suất huy động hấp dẫn cùng với nhiều chương trình ưu đãi khác như hiện nay, gửi tiết kiệm vẫn có “sức hút” riêng với nhiều nhà đầu tư. Đây cũng là nguồn vốn quan trọng để thúc đẩy khôi phục và phát triển kinh tế trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Bài, ảnh: HOÀNG ANH