Tháng 11/2022, lãnh đạo các nước ASEAN thống nhất trao quyền giám sát viên của ASEAN cho Timor-Leste, thúc đẩy thành quả trên nỗ lực gia nhập vào khối của đất nước. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN/Vietnam+

Các nhà lãnh đạo ASEAN, trong một tuyên bố ngắn vào tháng 11/2022, đã nhất trí trao quy chế quan sát viên cho Timor-Leste. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cũng tái khẳng định sự ủng hộ về nguyên tắc của Singapore trong chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của Tổng thống Timor-Leste Jose Ramos-Horta vào tháng 12/2021.

Tư cách quan sát viên cho phép nước này tham gia vào tất cả các cuộc học của ASEAN, kể cả các hội nghị thượng đỉnh. Dù hiện tại Timor-Leste không thể đóng góp vào quá trình ra quyết định hoặc chia sẻ một cách tự do quan điểm của mình trong các cuộc họp, nhưng Timor-Leste có thể tìm hiểu thông tin chi tiết về khối khu vực, bao gồm cả cách tốt nhất để đàm phán trong khối. Mức độ tham gia của Timor-Leste trong các cuộc họp của ASEAN với tư cách là một quan sát viên vẫn đang được thảo luận trong khối, với một bộ hướng dẫn dự kiến sẽ được thông qua vào tháng tới.

Dù vậy, để tham gia đầy đủ vào ASEAN, cần đáp ứng “lộ trình dựa trên tiêu chí khách quan” sẽ được các nhà lãnh đạo ASEAN thông qua vào hội nghị cấp cao đầu tiên vào năm 2023.

Timor-Leste có thể đáp ứng các tiêu chí của ASEAN không?

ASEAN cần sự đảm bảo lớn hơn từ các quốc gia non trẻ về danh sách cam kết và trách nhiệm.

Một số vấn đề được quan tâm sẽ là khả năng của Timor-Leste trong việc đảm nhận vai trò chủ tịch luân phiên hàng năm của ASEAN, bao gồm việc tổ chức các hội nghị thượng đỉnh và đảm bảo tất cả cơ sở hạ tầng và khả năng kết nối cần thiết. Ngoài ra cũng cần có các quan chức và chuyên gia có năng lực để tham dự hơn 1.300 cuộc họp của ASEAN, bao gồm các cuộc tập trận an ninh chung, cùng với đó là sự thành thạo cần thiết để đàm phán và tạo điều kiện thuận lợi cho quan hệ của khối, với các đối tác đối thoại như Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ.

Quốc gia này cũng cần phải tham gia tất cả các hiệp định của ASEAN và cam kết thực hiện chúng, cũng như hài hòa luật lệ và quy định trong nước với các hiệp ước và công ước có tính ràng buộc về mặt pháp lý của ASEAN. Hơn 80% trong số đó là các công ước chống buôn người và chống khủng bố, quản lí thiên tai và ứng phó khẩn cấp...

Một ví dụ là Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN, được tạo nên nhằm đạt được dòng chảy tự do của hàng hóa và làm sâu sắc hơn liên kết kinh tế trong khu vực. Thuế nhập khẩu nội khối ASEAN đã được loại bỏ, hoặc giảm xuống gần bằng 0 với các thành viên mới, áp dụng cho hầu hết các loại hàng hóa. Trong khi đó, Timor-Leste vẫn áp thuế bán hàng 2,5% tại biên giới với hàng hóa nhập khẩu.

Timor-Leste cũng sẽ cần thiết lập các quy tắc xuất xứ và thủ tục chứng nhận, chế độ tiêu chuẩn kỹ thuật, cập nhật tiêu chuẩn vệ sinh và kiểm dịch động vật, cũng như đảm bảo nhân viên có trình độ, bao gồm cả các chuyên gia pháp lý để quản lý hải quan. Tất cả những điều này không phải là chuyện một sớm một chiều.

Trên hết, nước này cần phải đóng góp tài chính cho ngân sách của ASEAN trên cơ sở bình đẳng, ở mức khoảng 2,5 triệu USD/năm cho mỗi thành viên đầy đủ. Tuy nhiên, con số này không bao gồm khoản đóng góp bắt buộc của Timor-Leste vào danh sách các quỹ và tổ chức ASEAN, chẳng hạn như Quỹ ASEAN, chi phí tham gia các cuộc họp của ASEAN...

Timor-Leste đã sẵn sàng thực hiện các nghĩa vụ của mình theo hiến chương ASEAN

Hiện tại, có một yêu cầu ngày càng lớn rằng ASEAN cần cung cấp cho Timor-Leste một bản sắc khu vực phù hợp với bản sắc địa lí của họ.

Nhìn chung, quá trình trở thành thành viên ASEAN của Timor-Leste chắc chắn đã được đẩy nhanh kể từ khi tổng thống Ramos-Horta nhậm chức. ASEAN và các đối tác đối thoại của mình đã và đang tăng cường hỗ trợ xây dựng năng lực, đơn cử như gói Hỗ trợ sẵn sàng cho ASEAN Singapore- Timor-Leste sẽ bao gồm đào tạo kỹ năng cho các quan chức của Timor-Leste.

Indonesia, chủ tịch ASEAN năm nay cũng là nước ủng hộ mạnh mẽ nhất việc Timor-Leste trở thành thành viên của khối.

Đan Lê (Lược dịch từ CNA)