Thầy Trần Văn Anh đưa các em có hoàn cảnh khó khăn đi sắm Tết 

Sinh năm 1991, trong một gia đình nông dân ở xã Phong An (Phong Điền) dù kinh tế không mấy khá giả, song Văn Anh vẫn luôn thấy mình còn may mắn hơn nhiều người khác.

Kể về cơ duyên giúp đỡ học sinh nghèo, Trần Văn Anh nhớ lại: Tôi có niềm đam mê làm từ thiện khi còn là sinh viên.

Năm 2015, tôi  nhận công tác ở Trường THCS Phong Hòa (Phong Điền). Vừa dạy âm nhạc, vừa làm Tổng phụ trách kiêm Bí thư chi đoàn giáo viên nhưng tôi vẫn sắp xếp thời gian để đều đặn làm việc thiện. Lập trang Facebook mang tên “Người đi xin”, tôi kêu gọi, kết nối những tấm lòng hảo tâm để giúp đỡ những học sinh nghèo, những đứa trẻ mồ côi, người già neo đơn…

Em Nguyễn Phương Anh, học sinh lóp 5 Trường tiểu học Quảng Thọ (Quảng Điền) vừa mới mất mẹ chia sẻ: Đây là năm đầu tiên em không có cả bố lẫn mẹ. Hai chị em được thầy Văn Anh dẫn đi mua sắm áo quần mới và tặng quà để em đón Tết. Em không muốn nghỉ học giữa chừng nên thầy giáo đã đến động viên và hứa giúp em thực hiện ước mơ.

Giúp đỡ những người già neo đơn đón tết 

Ngót nghét gần 8 năm, sau giờ lên lớp, anh lại lặng lẽ lên các huyện vùng cao của Thừa Thiên Huế như Nam Đông, A Lưới, rồi vào Quảng Nam, ra tận Quảng Bình, Quảng Trị để tìm hiểu từng hoàn cảnh, phận đời. Sau khi đến tận từng nhà tìm hiểu, anh lại viết bài về từng hoàn cảnh, kèm theo ảnh rồi giới thiệu trên Facebook.

Từ đó, thầy giáo trẻ Văn Anh đã tự nguyện, tích cực tổ chức các hoạt động từ thiện như: Chương trình “Bao gạo nghĩa tình”, “Hành trình kết nối yêu thương”. Đến nay, thầy Văn Anh đã lập quỹ hỗ trợ thường xuyên cho hơn 100 mẹ già neo đơn và  bảo trợ cho 36 em học đến hết đại học, trong đó đa phần đều mồ côi cả cha lẫn mẹ.

Tâm huyết trong chương trình từ thiện nên thầy Văn Anh đã được đông đảo đồng nghiệp, học sinh và các nhà hảo tâm ủng hộ bằng tinh thần và vật chất để có nhiều món quà giúp đỡ người nghèo. Mỗi người đều có mức đóng góp khác nhau từ mười nghìn đồng đến vài chục triệu đồng. Thầy Văn Anh tâm sự, điều tôi mong muốn nhận lại khi thực hiện các hoạt động thiện nguyện chính là nụ cười hạnh phúc của mọi người. Tôi luôn cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa khi có nhiều dẫn chứng sinh động về con người, cuộc sống xung quanh để giáo dục học sinh biết yêu thương, biết chia sẻ.

Mọi sự cảm thông của thầy cô giáo với học trò sẽ tạo nên một sợi dây buộc chặt tình thầy trò, từ đó hiểu được tâm tư, tình cảm của các em để có thể hoàn thành được sứ mệnh trồng người. Điều đáng nói là mỗi lần làm việc thiện, nếu gần trường, thầy giáo Văn Anh đều tổ chức cho học sinh đi cùng để nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương trong các em. Rồi khi lên lớp, trò nào chưa ngoan, thầy gặp riêng để nhẹ nhàng khuyên bảo với phương châm “mưa dầm thấm đất”. Nhờ vậy mà thầy giáo trẻ đã cảm hóa được nhiều em đang ở lứa tuổi ẩm ương.

Cũng theo thầy Văn Anh, hoạt động tình nguyện và từ thiện không thể thực hiện một mình mà cần sự chung tay, góp sức của nhiều người. Vậy nên, thầy giáo trẻ mong rằng sẽ có thêm thật nhiều tấm lòng hảo tâm trong xã hội để góp phần làm cuộc sống này đẹp hơn.

Bài, ảnh: Huế Thu