Larry – biểu tượng bền vững của số 10 phố Downing

Mèo Larry - “tổng quản” bắt chuột của Văn phòng số 10 phố Downing. Ảnh: AFP

Trong 11 năm qua, Văn phòng số 10 phố Downing đã chứng kiến biết bao vị thủ tướng đến nhậm chức rồi đi, nhưng chỉ duy nhất một chức vụ được giữ lại: “Tổng quản bắt chuột” Larry.

Trải qua hơn một thập kỷ với nhiều biến động trong nền chính trị, nhiệm kỳ bền vững của chú mèo Larry đã thu hút được một lượng người hâm mộ Anh. Thậm chí, nhiều người dân Anh còn đùa rằng con vật chính là “biểu tượng bền vững” sau cùng của nước Anh. Những lần xuất hiện ngắn ngủi cùng những hành động ngẫu hứng bên ngoài tòa nhà số 10 hay quanh quẩn bên bục phát biểu của các đời thủ tướng cũng đủ để mèo Larry chiếm chỗ trên các mặt báo ngày hôm sau.

Mèo Larry được đưa đến Văn phòng số 10 sinh sống từ tháng 2/2011 dưới thời của cựu Thủ tướng David Cameron. Theo trang web chính thức của Chính phủ Anh, mèo Larry được nhận nuôi từ Trung tâm Chó mèo Battersea và có kỹ năng bắt chuột xuất sắc. Sau khi chính thức được bổ nhiệm làm Tổng quản bắt chuột cho Văn phòng số 10 phố Downing, mèo Larry được mở một tài khoản Twitter vào năm 2011. Tài khoản này theo dõi 150 tài khoản khác, phần lớn trong số đó chia sẻ nội dung liên quan đến loài chuột. Bên cạnh đó, tài khoản Twitter của mèo Larry đăng các nội dung hài hước về những nhân vật sống cùng tòa nhà và hoạt động của Chính phủ Anh nói chung, từ đó người dân Anh cũng được cập nhật thông tin bên trong dinh Thủ tướng.

Tuy được bổ nhiệm giữ chức Tổng quản bắt chuột song một năm, mèo Larry chỉ bắt được từ 3 đến 4 con. Thậm chí mèo Larry còn bị “cáo buộc” sao nhãng nhiệm vụ kể từ năm 2015. Trang web của Chính phủ Anh cho biết mèo Larry dành cả ngày để đón khách đến nhà, kiểm tra hệ thống phòng thủ an ninh và kiểm tra chất lượng đồ nội thất cổ để xem chúng có là nơi phù hợp để Larry nghỉ trưa hay không. Trang web còn hài hước cho rằng hàng ngày, Larry tiếp tục “nung nấu” suy nghĩ về một giải pháp đối phó với chuột hoành hành và vị “tổng quản” này vẫn đang trong giai đoạn lập kế hoạch chiến thuật.

Tama – vị cứu tinh giúp tuyến đường sắt thoát cảnh đóng cửa

Trạm trưởng ga Kishi Tama. Ảnh: AFP

Tuyến đường sắt dài 14 km nối từ thành phố Wakayama đến ga Kishi ở Nhật Bản chưa bao giờ chứng kiến cảnh đông đúc tấp nập. Vì tình trạng ế ẩm, năm 2004, giới chức địa phương đã lên kế hoạch đóng cửa tuyến đường sắt này. Tuy nhiên, khi công ty đường sắt Wakayama tiếp quản, ban lãnh đạo đã tìm ra một cách thức quảng bá độc đáo để khiến tuyến đường này trở nên phổ biến hơn.

Năm 2007, ban lãnh đạo công ty Wakayama bổ nhiệm chức “Trạm trưởng” cho Tama, một con mèo của một gia đình địa phương. Nhiệm vụ của “cô nàng” là ngồi đó và tỏ vẻ đáng yêu. “Nữ trạm trưởng” này còn được cấp văn phòng riêng và một hộp đi vệ sinh. Lương tháng được trả bằng thức ăn cho mèo.

Không ai ngờ chiêu quảng cáo này lại đem đến một thành công lớn. Du khách từ khắp Nhật Bản đổ xô đến nhà ga nhỏ Kishi. Họ muốn gặp và chụp ảnh với cô mèo đội mũ và gắn huy hiệu trên người. Chỉ trong nháy mắt, Tama trở nên nổi tiếng.

Các dịch vụ ăn theo “Trạm trưởng” Tama cũng mọc lên như nấm. Du khách có thể ăn uống tại quán cà phê chủ đề mèo Tama hay mua những đồ lưu niệm có in hình cô mèo quyền lực. Hình ảnh mèo Tama được sử dụng khắp mọi nơi, thậm chí người ta còn xây dựng một tòa nhà có hình dáng của một con mèo. Tama đã đóng góp cho nền kinh tế địa phương 9 triệu USD và cứu sống ga tàu Kishi sắp bị đóng cửa.

Tháng 6/2015, “Trạm trưởng” Tama qua đời. Trên 3.000 người đã tới dự lễ viếng cô mèo nổi tiếng này. Mèo Tama sau đó cũng được phong là “Thánh Thần đạo”. Thần đạo là tôn giáo lớn nhất ở Nhật Bản. Đạo này tôn vinh nhiều vị thần thánh từ động vật và trong số đó, mèo được coi là con vật tâm linh. Sau khi Tama qua đời, những người quản lý ga Kishi đã nhanh chóng tìm người kế nhiệm. Mèo tam thể Nitama được bổ nhiệm làm trạm trưởng mới và đảm nhận mọi nhiệm vụ chính thức.

Félicette – con mèo duy nhất du hành vào vũ trụ

Félicette là con mèo duy nhất du hành trong vũ trụ. Ảnh: AFP

Cho đến nay, chỉ có duy nhất một con mèo đã từng bay vào vũ trụ và sống sót. Trong một chương trình nghiên cứu bay vào không gian của chính phủ Pháp năm 1963, Félicette đã được phóng lên quỹ đạo. Đây được xem là cột mốc hết sức quan trọng đối với ngành khoa học của Pháp. Với sự thành công của chuyến bay đưa Félicette vào không gian, Pháp trở thành quốc gia thứ 3 thành lập cơ quan hàng không vũ trụ sau Mỹ và Liên Xô, cũng như chính thức bước chân vào cuộc đua du hành vũ trụ mới nổi thời bấy giờ.

Mèo hoang Félicette là một trong 14 con mèo được Trung tâm d’Enseignement et de Recherches de Médecine Aéronautique (CERMA) chọn đào tạo để đi vào không gian. Đưa mèo lên không gian vào thời điểm đó là vì không ai thực sự biết tác động của môi trường không trọng lực đối với các sinh vật phức tạp như con người.

“Nếu những con mèo sống sót, người ta cho rằng con người cũng có thể sống sót. Những con mèo này được huấn luyện với cường độ cao, bao gồm nén quần áo quanh cơ thể để ngăn cử động và thậm chí dùng cả máy ly tâm tốc độ cao”, Giáo sư Keith Crisman, làm việc tại khoa Nghiên cứu Không gian Đại học Bắc Dakota, cho biết.

Sau những khóa đào tạo khắc nghiệt, Félicette được chọn vì đây là con mèo ngoan ngoãn, hiền lành và đạt tiêu chuẩn về cân nặng. Ngày 18/10/1963, Félicette được phóng lên không gian bằng tên lửa Véronique AG1 từ một địa điểm ở Algeria thuộc sa mạc Sahara.

Trong cuộc hành trình kéo dài chưa đầy 15 phút của mình, Félicette đã đạt đến độ cao gần 160 km với vận tốc gấp 5 - 6 lần tốc độ âm thanh, trải qua một thời gian ngắn trong môi trường không trọng lượng. Félicette đã sống sót thành công sau chuyến đi, sau khi tàu vũ trụ tách khỏi tên lửa và trở lại Trái đất an toàn. Tuy nhiên, để phục vụ mục đích nghiên cứu não bộ, Félicette bị buộc phải chịu cái chết nhân đạo sau 2 tháng. Năm 1997, Pháp có phát hành bộ tem để kỷ niệm sự kiện con mèo đầu tiên bay vào vũ trụ, song không rõ vì sao mà tên Félicette bị chuyển thành Felix - cái tên thường dành cho mèo đực.

Theo TTXVN