Người dân chọn mua thực phẩm tại chợ đầu mối Nam Hà Nội, quận Hoàng Mai. Ảnh: VŨ SINH

Bên cạnh các chợ truyền thống, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại lớn tiếp tục là những địa điểm thu hút người tiêu dùng do tạo sự yên tâm cho người mua về nguồn gốc, xuất xứ, thương hiệu cũng như các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và giá cả bình ổn.

Thị trường ổn định

Theo Bộ Tài chính, các địa phương cũng chủ động trong công tác quản lý giá thị trường, ban hành kế hoạch, bảo đảm nguồn cung hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán. So năm 2022, lượng hàng hóa dự trữ tăng nhẹ, hàng hóa đa dạng, lượng cung hàng hóa theo từng nhóm hàng thiết yếu đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân.

Hoạt động mua sắm trong ngày 29, 30 Tết tập trung chủ yếu là ở một số mặt hàng phục vụ liên hoan tất niên tại các gia đình và cúng Giao thừa như rau, hoa, quả, các loại thực phẩm tươi sống, rượu bia, thuốc lá và bánh kẹo. Qua theo dõi nắm bắt tình hình giá cả thị trường của Bộ Tài chính và báo cáo từ các Sở Tài chính địa phương, có thể thấy về mặt hàng lương thực, hầu hết các địa phương trong cả nước đã có kế hoạch dự trữ hàng hóa chuẩn bị Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, trong đó mặt hàng gạo luôn được chú trọng và được các hộ kinh doanh, doanh nghiệp tích cực chuẩn bị, bảo đảm lượng dự trữ và cung ứng cho thị trường.

Giá thực phẩm tươi sống ổn định trước Tết do nguồn cung dồi dào và mức giá tương đối ổn định hoặc tăng giá nhẹ. So với ngày thường, giá thịt bò tăng khoảng 10.000-20.000 đồng/kg tùy từng thị trường địa phương do nhu cầu tăng; giá gà sống tăng khoảng 10.000-30.000 đồng/kg; giá lợn hơi ổn định so giai đoạn trước Tết kéo theo giá thịt lợn thành phẩm cũng không có biến động lớn.

Giá thực phẩm tại các điểm bán hàng bình ổn vẫn ổn định và thấp hơn so với giá thị trường. Giá bán các mặt hàng rau củ, trái cây hầu hết tại các địa phương cơ bản ổn định thậm chí có một số nơi giảm nhẹ do thời tiết thuận lợi cho việc trồng rau quả cho nên nguồn cung khá dồi dào và ổn định. Giá các loại hoa quả, nhất là một số loại hoa quả nhập từ nước ngoài tăng nhẹ từ 10%-15% tùy từng loại so với ngày thường do nhu cầu cúng Tết cũng như phục vụ quà tặng, chúc Tết.

Riêng về hàng công nghệ phẩm chế biến, nhìn chung có giá ổn định dịp trước Tết do các doanh nghiệp chủ động chuẩn bị đủ nguồn hàng cho thị trường và các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn Tết đều có các chính sách ổn định giá cả cho các tháng trong và sau Tết. Giá nhiều mặt hàng như đường, dầu ăn, nước mắm ổn định do nguồn cung lớn, nhiều loại hàng Việt đã có thị phần lớn so với các năm trước, mẫu mã bao bì chất lượng hàng Việt Nam sản xuất có sự tiến bộ vượt trội so với các năm trước, chiếm được thị phần lớn, cạnh tranh được với hàng tương tự, ngoại nhập. Giá các loại bia, rượu và nước ngọt năm nay biến động không đáng kể so với cùng kỳ năm 2022 do lượng hàng trong các siêu thị, cửa hàng rất dồi dào.

Đáng lưu ý, giá hoa tươi chỉ tăng nhẹ vào các ngày giáp Tết do nhu cầu tăng cao đối với các loại hoa phục vụ cúng lễ. Giá các loại cây cảnh chơi Tết như đào, quất, mai tương đương cùng kỳ năm trước, nguồn cung dồi dào.

Tuy nhiên, đến những ngày cận Tết (từ chiều 29 Tết) giá hoa, cây cảnh có xu hướng giảm so với các ngày trước do nguồn cung phong phú, dồi dào, hoa đẹp, không bị khan hiếm trong khi lượng mua kém hơn so với mọi năm khiến nhiều người buôn bán cây cảnh muốn giảm giá, xả hàng thu hồi vốn sớm. Nhìn chung, nhu cầu mua sắm năm nay giảm hơn so với các năm trước do ảnh hưởng của dịch bệnh nhiều gia đình phải tiết giảm chi tiêu ngày Tết. Tuy nhiên các loại hoa như hoa cúc, hoa hồng; các loại hoa quả tươi bày thờ cúng tăng giá nhẹ để phục vụ nhu cầu các gia đình bày mâm ngũ quả, cắm hoa Tết.

Giá dịch vụ vận tải cơ bản hiện vẫn ổn định, trong tầm kiểm soát của các địa phương. Trước diễn biến giá xăng dầu có xu hướng tăng trong thời gian gần đây, Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố triển khai các biện pháp nhằm tăng cường quản lý giá cước vận tải trên địa bàn, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Theo báo cáo của các địa phương, về cơ bản giá cước vận tải các tuyến cố định trong thời gian qua không tăng hoặc tăng ít. Một số đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện kê khai tăng giá phụ thu chiều rỗng một chiều. Giá dịch vụ giữ xe về cơ bản ổn định, ở tại các siêu thị, trung tâm thương mại giá dịch vụ giữ xe thực hiện tốt theo đúng quy định; tại một số chợ truyền thống, các điểm trông xe tự phát quanh các địa điểm tâm linh có biến động tăng.

Tăng cường điều hành, quản lý giá

Bộ Tài chính cũng cho biết, để tăng cường công tác quản lý điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường trong dịp Tết Nguyên đán, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 23/12/2022 về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; Chỉ thị số 03/CT-BTC ngày 12/12/2022 của Bộ trưởng Tài chính về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn thị trường trong dịp Tết Nguyên đán; trong đó, giao nhiệm vụ trọng tâm là phải tăng cường công tác theo dõi sát biến động giá cả các mặt hàng thiết yếu để kịp thời có các biện pháp quản lý, điều hành phù hợp, đi đôi với đó là đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Trên cơ sở đó, trong thời gian nghỉ Tết đã thành lập kênh thông tin báo cáo hằng ngày giữa các Sở Tài chính với Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá) để kịp thời cập nhật đầy đủ các diễn biến của giá cả thị trường. Bộ Tài chính đã chủ động tổ chức công tác kiểm tra nắm tình hình triển khai thực hiện công tác quản lý và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại một số địa phương bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Công tác quản lý, điều hành giá đã được các bộ, ngành, địa phương chú trọng triển khai quyết liệt. Hải quan khu vực, Cục Thuế, Cục Dự trữ Nhà nước khu vực, Kho bạc Nhà nước tại địa phương báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao gửi các Sở Tài chính, Sở Tài chính các tỉnh, thành phố sẽ thực hiện chế độ báo cáo trước, trong và sau Tết gửi về Bộ Tài chính. Bộ Tài chính chủ động thực hiện công tác khảo sát, tổng hợp diễn biến giá cả thị trường trong từng ngày, đặc biệt là trong 7 ngày Tết để kịp thời nắm bắt diễn biến các mặt hàng thiết yếu, phục vụ đời sống nhân dân.

Năm 2023 dự báo tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức cho công tác quản lý, điều hành giá, tình hình kinh tế, địa-chính trị thế giới còn diễn biến phức tạp, lạm phát ở một số nước mặc dù có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng dự báo vẫn tiếp tục là một vấn đề trọng tâm cần phải giải quyết, giá các mặt hàng nguyên vật liệu, các mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới tiềm ẩn nhiều nguy cơ tăng giá, rủi ro về tỷ giá tạo sức ép lên chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu trong nước, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng do Trung Quốc nới lỏng các biện pháp chống dịch.

Bên cạnh đó, trong nước chịu tác động từ việc thực hiện lộ trình giá thị trường một số mặt hàng Nhà nước quản lý đã bị lùi thực hiện trong thời gian qua, một số chính sách về hỗ trợ về thuế sẽ hết hiệu lực từ đầu năm 2023, một số dự án lớn, những công trình trọng điểm quốc gia triển khai nhanh từ đầu năm, áp lực tăng giá một số mặt hàng lương thực, thực phẩm sau khi điều chỉnh tăng lương cơ bản, đặc biệt, áp lực lạm phát bình quân sẽ tăng ngay từ quý I/2023 do lạm phát được tích lũy theo xu hướng tăng trong năm 2022.

Trong bối cảnh đó, công tác quản lý, điều hành giá năm 2023 cần tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, thực hiện một cách chủ động, linh hoạt, bảo đảm kiểm soát tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm ở mức khoảng 4,5% theo mục tiêu Quốc hội đề ra, đồng thời tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường các dịch vụ công và hàng hóa do Nhà nước quản lý khi điều kiện cho phép và đẩy mạnh công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật về giá, trình Quốc hội thông qua Luật Giá sửa đổi.

Theo nhandan.vn