Trung bình 1ha trồng các loại hành, đậu bắp, rau thơm, kiệu, tần ô, dền đỏ… mỗi ngày cho thu nhập khoảng 300-400 ngàn đồng

Khuya mùng 2, rạng sáng mùng 3 Tết Nguyên đán Quý Mão, những cánh đồng ở thôn Thành Trung (Quảng Thành, Quảng Điền) loang loáng ánh đèn soi cùng tiếng lách cách từ chiếc kéo nhỏ của nông dân thu hoạch rau.

Kế đó không xa, nơi ngã tư chợ Tây Ba, là tiếng xôn xao của những thương lái đang chờ gom những mớ rau xanh mơn mởn còn đọng mưa xuân đưa về chợ đầu mối Phú Hậu.

Chợp mắt vài ba tiếng, đến chừng 11h đêm mùng 2 Tết, chị Nguyễn Thị Hương đã dậy chuẩn bị đồ nghề thu hoạch rau. Nói đồ nghề… cho oai chứ thật ra khá đơn giản, chỉ là mấy cái rổ, cây kéo, cái đòn và đèn soi đội đầu.

Bước ra khỏi nhà, chị Hương xòe bàn tay hướng lên trời vài giây rồi lật đật quay vào, lúc ra thấy chị nách thêm bộ đồ mưa. Ri cho chắc chú nà, đêm hôm lại tết nhất, lỡ đau, khách tới chúc Tết không tiếp được thì áy náy, chị nói.

Ra đến khu vực trồng rau tập trung, trong đó có diện tích rau của gia đình chị Hương, đã thấy không ít nông dân đang cặm cụi nhổ từng gốc rau. Trong màn đêm tĩnh mịch, để nhận ra sự hiện diện của họ phải qua ánh đèn soi đội đầu cùng tiếng kéo lách cách nho nhỏ.

Kéo chiếc đòn đem theo lót ngồi, tùy loại rau mà chị Hương cũng như mọi người khi thì nhẹ nhàng giũ đất, khi thì cắt bỏ rễ, sau đó xếp cẩn thận vào những chiếc rổ đem theo. Mọi việc cứ diễn ra đều đều trong im lặng và thường gói gọn trong 2-3 tiếng đồng hồ.

Với những người trồng rau, chuyện thu hoạch diễn ra quanh năm, thường vào ban đêm cho đến rạng sáng, vì khi ấy rau mới đẹp, bán mới được giá. Nên chuyện mưa rét, thức đêm thức hôm ngày Tết là chuyện bình thường. Chỉ là ngày đầu năm, tâm lý ai cũng muốn suôn sẻ để cả năm hanh thông nên việc thu hoạch, bán mua diễn ra gọn lẹ hơn đôi chút, chị Hương chia sẻ.

Trồng rau tuy vất vả nhưng thu nhập khá cao. Trung bình 1ha trồng các loại hành, đậu bắp, rau thơm, kiệu, tần ô, dền đỏ… mỗi ngày cho thu nhập khoảng 300-400 ngàn đồng. Chính điều này đã giúp những người trồng rau không chỉ ở Quảng Thành, mà ở Quảng Thọ, Quảng Phú, Quảng Thái, Quảng Lợi… của huyện Quảng Điền đời sống ngày càng khấm khá.

Nhưng đó là khi thời tiết thuận lợi.

Xứ Huế thời tiết vốn khắc nghiệt, người trồng rau luôn phải đối diện với khô hạn, bão lũ, đồng nghĩa lúc rau không lên nổi, lúc rau dập lá, thối gốc. Luống rau dền đỏ bán những ngày Tết có thể lời gấp 4, gấp 5 ngày thường, nhưng sau những đợt mưa lạnh đợt cận Tết vừa qua, khoản tiền lời này chưa biết có đủ để bù vốn cho những luống tần ô, xà lách… đã gieo tới 3 lần vẫn không thu hoạch được.

Vất vả, nhưng họ vẫn cần mẫn, vẫn bám đồng, bám rau…

Một số hình ảnh thu hoạch rau đêm:

Chị Hương và nhiều người trồng rau khác, đều rời nhà khoảng 11h đêm để thu hoạch rau

Ngoài đèn soi đội đầu, có người còn đem theo đèn sạc để tăng sáng, dễ thu hoạch

Cải con là một trong những loại nhanh cho thu hoạch nhất. Từ lúc gieo hạt cho đến khi thu hoạch, người trồng chờ khoảng 15 ngày

Không quá nặng nhọc như làm ruộng, nhưng nhìn những ngón tay của chị Hương, và những người trồng rau khác phần nào hiểu được vất vả của họ

Rạng sáng, ở luống tần ô sát bên, chị Thu đang gấp rút thu hoạch vì sợ trời mưa

Tùy từng loại rau mà người thu hoạch rau cắt rễ, như tần ô...

... hoặc để nguyên như rau cần

Những ngày Tết, mỗi ký rau dền đỏ, thương lái thu mua từ 70-80 ngàn đồng/kg, cao gấp 4 ngày thường

Rau thu hoạch xong phải qua công đoạn rửa trôi bùn đất 

Tiếp đó, người dùng xe rùa...

...người nách bên hông đem đến nơi tập kết

Địa điểm tập kết rau là ngã tư chợ Tây Ba

Rau vừa đặt xuống đã thấy thương lái tới xem hàng, trả giá

Chốt giá, lên cân...

... thanh toán

Khoảng 2h30 sáng, rau được vận chuyển đến chợ đầu mối Phú Hậu

Clip thu hoạch rau đêm

Bài, ảnh, clip: HÀN ĐĂNG