Chợ phiên Quảng Ngạn thu hút đông đảo người dân và du khách
Lưu giữ bằng duy trì tổ chức
Trên Quốc lộ 49B, từ xa, đã thấy cảnh mua bán diễn ra nhộn nhịp và náo nhiệt, đâu đâu cũng nghe tiếng cười nói, chào mời và những lời chúc nhau một năm mới tốt đẹp nhất. Trên khuôn mặt của mỗi người đi chợ phiên đều rạng rỡ, phấn khởi.
Đó là không khí của Chợ phiên Quảng Ngạn mang đậm nét đẹp văn hóa truyền thống bên phá Tam Giang tồn tại đến nay đã 300 năm.
Chợ phiên chỉ mở 3 ngày Tết. Từ ngày xưa cho đến ngày nay, khi đến với Chợ phiên truyền thống Quảng Ngạn, người dân và du khách đều có mong ước cầu lộc, cầu tài đầu xuân năm mới, mong cho năm mới được nhiều thắng lợi mới.
Ở phiên chợ, hàng hóa chính là những sản phẩm nông nghiệp gần gũi mà người dân làm ra, có khi chỉ là mớ rau, vài quả đu đủ,... hái được ở trong vườn. Họ đưa ra chợ bán, mong có được cái duyên, cái lộc đầu năm mới cho gia đình và những người xung quanh.
Mua bán sản vật đầu năm
Những buổi chợ phiên ngày tết đã làm không khí của những ngày đầu năm ở vùng quê Quảng Ngạn và cả vùng lân cận như Quảng Công, Điền Hải cũng thêm phần nhộn nhịp, tươi vui.
Ông Nguyễn Đình Vu, Chủ tịch UBND xã Quảng Ngạn chia sẻ, chợ phiên ngày Tết là một nét đẹp văn hoá có từ lâu đời, đã được những người dân duy trì, gìn giữ và phát huy phong tục mua lộc đầu năm. Và các bạn trẻ lại có dịp chứng kiến nét đẹp văn hóa của cha ông bao đời nay để lại.
Cách đó không xa là Hội đu tiên Điền Hòa được tổ chức sau hai năm gián đoạn bởi dịch bệnh. Hội đu tiên là trò chơi dân gian không thể thiếu trong dịp tết cổ truyền của những nông dân chân chất, được người dân Điền Hòa gìn giữ, duy trì tổ chức cho đến ngày nay. Không chỉ là lễ hội truyền thống của người dân riêng của vùng Ngũ Điền mà đã trở thành lễ hội đặc sắc của Thừa Thiên Huế mỗi dịp tết đến.
Ông Nguyễn Đăng Phúc, Chủ tịch UBND xã Điền Hòa cho hay, phải tạm dừng tổ chức sau hai năm ảnh hưởng bởi dịch bệnh, hội đu tiên xuân Qúy Mão đã mang lại một không khí rộn ràng, tươi vui; qua đó, tạo ra năng lượng tích cực cho một năm mới nhiều phấn khởi ở phía trước.
Nét văn hóa truyền thống đẹp đẽ đươc gìn giữ trong ngày tết
Phát huy giá trị
Nhìn dòng người du xuân, lựa chọn những điểm đến mang nét truyền thống; hay những lễ hội lâu đời, thể hiện “hồn cốt” của dân tộc… để thấy một điều rằng, những giá trị văn hóa truyền thống có một vị trí không thể thiếu trong đời sống người dân Cố đô. Điều tưởng chừng đơn giản, nhưng góp phần rất lớn trong xây dựng điểm đến nổi bật về văn hóa.
Hòa vào dòng người vào tham quan Đại Nội Huế trong ngày mùng 1 tết Qúy Mão, anh Đỗ Qúy Cường (TP. Hà Nội) cùng các con lần lượt tham gia hết các trò chơi trong cung đình vào ngày tết, như bài vụ, đổ xăm hường, đầu hồ…
Anh Cường ấn tượng, chọn Huế du xuân vì các con rất muốn được tìm hiểu văn hóa truyền thống của dân tộc. Khi vào tham quan Đại Nội, thật bất ngờ và ấn tượng khi bên trong Hoàng cung tổ chức nhiều trò chơi dân gian cung đình ngày xưa như thế. Điều này khiến các con rất thích thú và hài lòng vì mục tiêu ban đầu các con đã đạt được. Có lẽ đây là chuyến du xuân với những trải nghiệm thú vị và khó quên trong dịp đầu xuân của gia đình nhiều năm qua.
Các trò chơi truyền thống gây ấn tượng với du khách
Trở lại với Chợ phiên Quảng Ngạn hay Hội đu tiên Điền Hòa, qua quan sát, khách chủ yếu vẫn là người dân địa phương và vùng lân cận. Chưa có nhiều du khách đến trải nghiệm. Dù thế, theo ông Vũ Văn Chương, Phó Chủ tịch Hội Lữ hành tỉnh cho rằng, cần duy trì tổ chức các hoạt động, lễ hội và tin chắc rằng khi nhu cầu du lịch hướng về tâm hồn, “bản quán”, nhưng lễ hội, hoạt động trên sẽ là điểm du lịch trong những ngày đầu xuân hằng năm.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch nhận định, việc phục dựng và tái hiện lại các nghi lễ và trò chơi cung đình trong dịp Tết; các lễ hội truyền thống; các sinh hoạt ý nghĩa trong ngày tết là cách không thể tốt hơn để giữ gìn nét đẹp trong bản sắc văn hóa truyền thống của người Việt. Đây cũng chính là giải pháp tạo không khí vui xuân, thu hút khách du lịch đến Huế du lịch và du xuân.
Phía Trung tâm Festival Huế cho biết, hiện nay tỉnh đã chuyển tổ chức Festival Huế theo hướng bốn mùa, trung tâm đang tiếp tục hệ thống lại tất cả các lễ hội, hoạt động truyền thống có tính tiêu biểu, vừa có thể gìn giữ nét đẹp văn hóa, vừa phát huy để nâng tầm thành sản phẩm du lịch.
Văn hóa truyền thống là gốc rễ của phát triển, gìn giữ và phát huy văn hóa là tiền đề để Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong ít năm nữa.
Bài, ảnh: ĐỨC QUANG