Nhiều doanh nghiệp, đơn vị hiện nay đã sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường

Xuất phát với mong muốn bảo vệ các nguồn tài nguyên cho các thế hệ tương lai và nâng cao chất lượng sống của con người, nhiều năm nay, tiêu dùng xanh trở thành một xu hướng tiêu dùng mới hiện đại, có sức lan tỏa ngày càng sâu rộng.

Tiêu dùng xanh có thể được định nghĩa là việc mua, sử dụng và tuyên truyền các sản phẩm thân thiện với môi trường mà không gây nguy cơ cho sức khỏe con người và không đe dọa các chức năng, hay sự đa dạng của các hệ sinh thái tự nhiên.

Hiện nay, người tiêu dùng trên thế giới đang dần dần hướng tới các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường và xem đó như một tiêu chuẩn cho các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao. Một bộ phận người tiêu dùng đã sẵn lòng trả giá cao hơn cho những hàng hóa được gắn nhãn mác đạt tiêu chuẩn sản xuất bền vững.

Ở góc độ doanh nghiệp hoạt động trong ngành thực phẩm chế biến, chị Nguyễn Thị Trà My, Công ty sản phẩm thiên nhiên Trà My Huế chia sẻ, đón đầu xu thế tương lai chị đã bước ra "vùng an toàn" nghiên cứu, đầu tư chế biến những dòng sản phẩm mới từ dược liệu như: Dầu gội, sữa tắm, vệ sinh phụ nữ, nước rửa chén, nước lau chùi đa năng... mang nhãn hiệu Trà My. Các sản phẩm đều được sản xuất theo công thức hiện đại kết hợp với các tinh hoa từ dược liệu tại địa phương, với cam kết đảm bảo chất lượng sản phẩm "tốt cho sức khỏe"  đối với người tiêu dùng.

Mặc dù nắm được lợi ích của trào lưu này và trên thực tế, ở tầm vĩ mô, nhiều nước cũng tìm mọi cách "thiết kế" các chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ tiêu dùng xanh, song nhìn chung không dễ để thay đổi thói quen cho số đông người tiêu dùng, bởi nó đòi hỏi sự thay đổi tận gốc rễ của nhiều thứ liên quan.

Ở Thừa Thiên Huế cũng như Việt Nam, trào lưu tiêu dùng xanh được khởi xướng nhiều năm nay, song thực tế quan sát cho thấy tỷ lệ người tiêu dùng quan tâm và tự thay đổi thói quen một cách triệt để là chưa nhiều. Ví dụ, tại các siêu thị, cửa hàng mua sắm một thời từng "dấy" lên phong trào sử dụng túi giấy, lá chuối, hộp giấy… cùng các bao bì bằng vật liệu thân thiện với môi trường. Nhưng sau một thời gian, vấp phải nhiều sự bất tiện cho phía người bán lẫn người mua, trào lưu này dần lắng xuống. Đơn cử, để có nguồn lá chuối gói rau xanh trên toàn hệ thống siêu thị nào đó, phải có vùng nguyên liệu, vận chuyển, bảo quản, phân phối, hướng dẫn nhân viên sử dụng… rất phức tạp, nhiêu khê... Tương tự các túi giấy, hộp giấy, đều có chi phí đắt hơn túi ni-lông, do đó người tiêu dùng lẫn đơn vị kinh doanh đều ngần ngại.

Thời gian qua, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, thói quen mua hàng qua mạng cũng kéo theo tình trạng sử dụng nhiều túi ny-lông, hộp nhựa, bởi khi vận chuyển thức ăn, hàng tiêu dùng, các loại bao bì thân thiện với môi trường đều khó đáp ứng tiêu chí "bền, rẻ, tiện lợi"...

Tiêu dùng xanh còn nhắm đến việc khuyến khích người dân ưu tiên sử dụng các sản phẩm sử dụng nguyên liệu "xanh" và tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường trong suốt quá trình sản xuất.

Xét nhiều khía cạnh, còn rất nhiều việc phải làm, nhiều tồn tại phải khắc phục thì mới thúc đẩy hiệu quả tiêu dùng xanh. Chỉ khi tiêu dùng xanh đạt được 3 tiêu chí quan trọng cho người tiêu dùng là: tiện lợi - nhanh - rẻ mới có thể bền vững lâu dài...

Bài, ảnh: Song Minh