Người dân làm tờ khai thay đổi thông tin cư trú. Ảnh: MC
Con gái tôi cầm căn cước công dân (CCCD) tới công an phường làm thủ tục đăng ký tạm trú ở nhà mới. Cán bộ phụ trách yêu cầu trong hồ sơ phải có tờ hộ khẩu thường trú ở nhà cũ. Trong khi chỉ còn 2 ngày nữa là tờ hộ khẩu bằng giấy bị vô hiệu. Tôi cười nói: Biết thế hai ngày nữa đi làm cho khỏe. Tưởng thế mà không phải thế, và không chỉ có thế. Không chỉ phải có hợp đồng mua nhà, mà còn phải có biên bản bàn giao nhà của bên bán – chủ đầu tư dự án. Phía chủ đầu tư dự án thì bắt buộc phải có đăng ký tạm trú, và dọn đến ở mới thanh toán khoản chiết khấu cho bên mua nhà.
Chợt nhớ cái thời xa vắng. Cán bộ, công nhân, từ thôn quê lên thành phố làm đơn xin cấp đất được cơ quan chức năng ra điều kiện: Có hộ khẩu mới được cấp đất. Thế là phải xoay chạy làm hộ khẩu. Nhưng bên cơ quan công an thì lại yêu cầu: Có nhà mới được nhập hộ khẩu. Chuyện cứ khôi hài y như con kiến mà leo cành đa…, con kiến mà leo cành đào…!
Thấy mất quá nhiều thời gian vàng ngọc, tôi đưa CCCD của mình bảo con gái “đăng ký tạm trú cho ba ở nhà con luôn thể”. Tưởng dễ, ai ngờ cơ quan công an yêu cầu phải chứng minh được tôi là cha đẻ của chủ hộ. Tôi chỉ có bản sao tờ hộ khẩu gia đình thời con gái chưa đi lấy chồng. Dĩ nhiên là không được chấp thuận. Đáp án duy nhất đúng là con gái tôi phải làm lại giấy khai sinh. Ối cha mẹ ơi! Thế là hơn 40 tuổi đầu rồi vẫn phải làm giấy khai sinh. Trong khi cả cha và con đều có CCCD để xuất trình. Cứ tưởng CCCD như là chìa khóa vạn năng, hóa ra không phải.
Một buổi sáng ngồi cafe kể chuyện này với nhà văn Tô Nhuận Vỹ. Tô Nhuận Vỹ chau mày, lắc đầu: Tôi còn rắc rối hơn ông gấp nhiều nhiều.
Nhà văn Tô Nhuận Vỹ, cách đây khoảng một tháng, đi làm khai sinh và nhập hộ khẩu cho cháu ngoại. Vì con gái của anh Vỹ vẫn là thành viên trong gia đình, đang có hộ khẩu ở nhà số 2 Chế Lan Viên, phường Trường An, TP. Huế với tư cách là con của chủ hộ. Thế là gặp rắc rối, vì cả nhà anh Vỹ lại đang ở ngôi nhà thứ hai trên phường Thủy Bằng. Cán bộ công an phường yêu cầu anh Vỹ phải có tờ quyết định cấp thửa đất số 2 Chế Lan Viên. Yêu cầu này tuy vô lý, nhưng không khó vì nhà đã có sổ đỏ chính chủ. Nhưng yêu cầu tiếp theo thì bó tay chấm com. Cháu ngoại của anh Vỹ phải ở trong nhà số 2 Chế Lan Viên mới được nhập hộ khẩu. Quá mệt mỏi nhà văn "Dòng sông phẳng lặng” đã “nổi sóng”. Và cuối cùng đành phải nhờ một người thân quen trong ngành công an đi làm giúp mới xong chuyện.
Ngẫm hay muôn sự tại… người!
Thanh Tùng