Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng và chế biến dược liệu

Tăng năng suất, chất lượng sản phẩm

Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, việc triển khai thí điểm các mô hình ứng dụng KHCN trên địa bàn huyện Phong Điền đã từng bước đi vào sản xuất đại trà, tạo điều kiện cho người sản xuất tiếp cận những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi. Điển hình trong thời gian qua, huyện đã triển khai thành công một số mô hình: Phát triển sản xuất các giống lúa mới; nhân giống cây sen; trồng và chế biến tinh dầu dược liệu (nhất là cây tràm); nuôi tôm công nghệ cao; trồng và chế biến atisô đỏ; trồng rau sạch ứng dụng công nghệ cao, trồng cây ăn quả theo quy trình hữu cơ, VietGAP…

Chương trình phát triển tài sản sở hữu trí tuệ cũng được địa phương quan tâm thực hiện. Đến nay, toàn huyện có hơn 32 sản phẩm đăng ký nhãn hiệu hàng hóa được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng chứng nhận.

Không riêng huyện Phong Điền mà ở hầu hết các địa phương khác trong tỉnh, nhờ ứng dụng KHCN và đổi mới sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; đã tác động đến tái cơ cấu sản xuất, chuyển dịch cơ cấu sản xuất. Đồng thời tạo điều kiện xây dựng các vùng sản xuất tập trung, thay đổi các hình thức tổ chức, liên kết sản xuất đồng bộ hơn.

Bên cạnh đó, đã thay đổi ý thức của người dân trong việc sử dụng vật tư, nguyên liệu đầu vào theo hướng an toàn, tiết kiệm, góp phần thay đổi phương thức canh tác, tạo sản phẩm an toàn, giá trị cao; góp phần rất lớn cho việc nâng cao thu nhập của người dân nông thôn.

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, KH&CN đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Các chương trình sản phẩm quốc gia, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen… được triển khai hiệu quả, góp phần duy trì xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực.

Đầu tư chuyên sâu

Thời gian qua, trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn, KH&CN đã tập trung vào các sản phẩm chủ lực. Nhiều kết quả nghiên cứu đã được chuyển giao áp dụng vào sản xuất nông nghiệp, nhiều quy trình công nghệ, tiến bộ kỹ thuật mới được áp dụng đã giảm chi phí đầu tư. Các hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo đang từng bước tạo động lực quan trọng cho sự phát triển KH&CN của ngành nông nghiệp, đóng góp vào sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu, tăng trưởng của ngành.

Tuy nhiên, thực tế việc ứng dụng KHCN còn ít và gặp nhiều khó khăn do chi phí đầu tư lớn. Chẳng hạn, trong lĩnh vực chăn nuôi, chi phí đầu tư, ứng dụng KH&CN cao hơn 20% so với chăn nuôi truyền thống, trong khi đó thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi theo hướng công nghệ cao lại chưa ổn định, nên nhiều chủ trang trại chưa dám mạo hiểm đầu tư. Do đó, các trang trại mới chỉ đầu tư từng phần, xây dựng chuồng trại khép kín để phòng, chống dịch bệnh là chính.

Để phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững với những hướng then chốt như: dịch chuyển lao động, tạo việc làm tại chỗ; phát triển kinh tế tập thể; chương trình OCOP, xây dựng NTM thông minh... nhất quyết không thể thiếu vắng vai trò của KHCN.

Đại diện lãnh đạo Sở KHCN cho biết, trong năm 2023, ngành sẽ tập trung xây dựng và triển khai “Chương trình Ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao”; tham mưu Nghị quyết sửa đổi Nghị quyết số 20 ngày 23/12/2020 của HĐND tỉnh “Quy định một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 - 2025”.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG