Sự phục hồi và tăng trưởng trở lại của Trung Quốc sẽ mang lại lợi ích cho nhiều quốc gia khác trên toàn thế giới. Ảnh minh họa: THX/TTXVN/Vietnam+

Theo nhận định của chuyên gia, năm 2022 là một năm khó khăn. Tuy nhiên vào năm 2023, Trung Quốc “có thể đóng một vai trò rất quan trọng trong việc kích thích tăng trưởng toàn cầu”.

Ông Hamid Rashid cho biết: “Tôi nghĩ rằng tất cả các thành phần góp phần vào sự phục hồi đều có mặt ở đó. Chúng tôi rất lạc quan về sự phục hồi ở Trung Quốc”.

Ngoài ra, ông cũng bày tỏ tin tưởng rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ “phục hồi mạnh mẽ” vào năm 2023, khi các chính sách của nước này được điều chỉnh chính xác, nghĩa là chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ “đi đúng hướng”.

“Không có sự thắt chặt chính sách tiền tệ nào ở Trung Quốc. Điều này khá yên tâm bởi việc thắt chặt chính sách tiền tệ này có thể sẽ kìm hãm tăng trưởng kinh tế”, ông Hamid Rashid cho biết.

Nền kinh tế Trung Quốc được nhận xét là có điều kiện thuận lợi để tăng trưởng khi tỷ lệ lạm phát ở mức thấp, mặc dù ở một số nơi khác vẫn tồn tại tỷ lệ lạm phát khá cao.

So với các nước khác, Trung Quốc vẫn có tỷ lệ lạm phát rất thấp và đây là một lợi thế đặc biệt.

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã biến Trung Quốc thành đầu tàu của nền kinh tế toàn cầu. Do đó, việc khôi phục vai trò đầu tàu này của Trung Quốc là tin tốt cho nhiều nước đang phát triển khác.

Trong một thông tin có liên quan, WESP 2023 vẽ ra một bức tranh ảm đạm về nền kinh tế toàn cầu và cảnh báo rằng nhiều cuộc khủng hoảng đan xen và chồng chéo có khả năng gây thêm thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu, với tốc độ tăng trưởng dự kiến sẽ chậm lại từ mức 3% của năm 2022 xuống còn 1,9% trong năm 2023.

Ông Rashid nhấn mạnh sự cần thiết phải đầu tư vào năng lực sản xuất, thúc đẩy vốn con người và chống biến đổi khí hậu, đồng thời cho rằng bằng cách thực hiện những khoản đầu tư này, thế giới sẽ “thoát khỏi thời kỳ khó khăn” vì chúng sẽ có “tác động theo cấp số nhân mạnh mẽ”, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao hơn và giảm lạm phát.

Về phía Trung Quốc, nước này đã làm điều đó rất tốt trong những năm qua, khi chính phủ “thực sự có thể chỉ đạo quá trình phục hồi”.

Xem xét tầm quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc đối với phần còn lại của thế giới, nhà kinh tế Hamid Rashid lưu ý, nước này tiêu thụ cả hàng hóa tiêu dùng và hàng hóa du lịch.

Lấy ví dụ về hàng hóa du lịch, ông Hamid Rashid cho biết, chúng là “nguồn thu chính” cho nhiều quốc gia bao gồm Malaysia, Thái Lan và Indonesia.

“Châu Âu hiện cũng phụ thuộc vào du lịch Trung Quốc. Trung Quốc nhìn chung đóng một vai trò rất quan trọng trong du lịch toàn cầu”. Cùng với đó, sự tăng trưởng của du lịch nước ngoài sẽ mang lại lợi ích cho nhiều quốc gia phụ thuộc vào ngành này.

Trung Quốc có “mối quan hệ thương mại rất chặt chẽ” với các nền kinh tế sản xuất khác trong khu vực, bao gồm Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong số các nước khác, Hàn Quốc và Nhật Bản được hưởng lợi khá nhiều từ sự phục hồi của Trung Quốc khi nước này phục hồi tốt.

Nhìn chung, nền kinh tế Trung Quốc sẽ đi vào quỹ đạo “không chỉ phục hồi mà còn phục hồi bền vững” nếu đại dịch COVID-19 có thể được kiểm soát.

“Chúng ta đang đối mặt với thời kỳ kinh tế khó khăn mà hợp tác quốc tế có thể đóng vai trò rất quan trọng trong việc khôi phục lòng tin toàn cầu”, nhà kinh tế Hamid Rashid nhấn mạnh.

Đan Lê (Lược dịch từ Xinhua Net)