Quân đội ta tiến vào Thành nội Huế Tết Mậu Thân 1968. Ảnh: Tư liệu

Ngay từ tháng 10/1967, tại căn cứ Động Chuối, vùng giáp ranh Phong Điền, hội nghị Khu ủy Trị - Thiên diễn ra trong 2 tuần nhằm quán triệt NQ của Bộ Chính trị. Hội nghị xác định nhiệm vụ, yêu cầu và đề ra kế hoạch tiến công nổi dậy cụ thể cho các đoàn 4, 5, 6, 7. Kế hoạch dự kiến gồm 2 bước. Theo đó, bước một: Đông Xuân 1967-1968, đẩy mạnh tiến công đánh địch, mở rộng vùng giải phóng, xây dựng lực lượng nội thành và vùng ven; tăng cường lực lượng mọi mặt, chuẩn bị cán bộ, vận chuyển vũ khí, lương thực, thuốc men...; đề nghị Bộ điều động thêm lực lượng, tăng thêm trang bị, chuẩn bị cho bước sau. Bước hai: Trên cơ sở bước một, mùa Hè 1968, thực hiện Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt ở Huế, phối hợp cùng toàn miền đánh bại quân địch.

Khu ủy Trị - Thiên quyết định chọn Huế làm trọng điểm, các mặt trận Quảng Trị, Phú Lộc là hướng phối hợp quan trọng.

Công tác chuẩn bị trong lực lượng vũ trang được tiến hành hết sức khẩn trương nhằm nâng cao trình độ tác chiến cho bộ đội và cơ quan chỉ huy. Các đơn vị trung đoàn, tiểu đoàn bộ binh, các đơn vị hỏa lực, công binh, các đội công tác vũ trang, biệt động... đều được tổ chức lại chặt chẽ. Một số bộ đội chủ lực được chuyển về tăng cường cho các huyện đội, thành đội. Công tác chính trị, tư tưởng được phát động mạnh mẽ ở tất cả các đơn vị, động viên sẵn sàng chiến đấu.

Sau thời gian chuẩn bị, rạng sáng 31/1/1968, khi pháo Giao thừa năm mới Mậu Thân đã nổ, dưới sự chỉ huy của Bộ Tư lệnh chiến dịch, pháo binh của ta đồng loạt nã vào những căn cứ lớn của địch làm hiệu lệnh mở đầu cuộc tổng tiến công và nổi dậy lịch sử. Trung đoàn 6, Trung đoàn 9, Đoàn 5, các đội đặc công, biệt động, trinh sát vũ trang, các đại đội bộ đội địa phương, các đội công tác, du kích, tự vệ nội, ngoại thành đồng loạt tiến đánh các mục tiêu quan trọng của địch.

Toàn bộ mặt trận Huế, cả nội và ngoại thành, đâu đâu cũng rền vang tiếng súng. Bị đánh bất ngờ, quân địch ở các vị trí hoảng loạn tháo chạy. Cùng lúc, Nhân dân và các lực lượng của ta phấn khởi, náo nức giúp đỡ bộ đội, nhiệt tình hưởng ứng lời kêu gọi của cán bộ giải phóng, chuẩn bị nổi dậy, diệt ác, phá kìm, tiến công địch giành chính quyền ở các cấp.

Đến khoảng 7 giờ 30 phút ngày 31/1/1968, lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên cột cờ trước Ngọ Môn, báo hiệu Huế được giải phóng. Tiếp đó, các lực lượng tham gia đánh vào thành Huế đã chiếm lĩnh trận địa, dân Huế cùng với quân và dân miền Nam đồng loạt tổng tiến công vào các đô thị lớn trên toàn miền Nam...

Do ta chưa chiếm và diệt được lực lượng đầu não địch ở Mang Cá (Bộ Tư lệnh Sư đoàn 1 ngụy) nên chỉ một thời gian ngắn, địch đã phản kích trở lại, gây cho ta nhiều khó khăn và tổn thất, từng bước giành lại một số căn cứ bị ta chiếm đóng. So sánh lực lượng và thế trận trên cả hai cánh Bắc, Nam bắt đầu bất lợi đối với quân ta.

Trước câu hỏi của đồng chí Tư lệnh: “Có ý kiến cho rút, ý các anh thế nào?”. Đồng chí Đặng Kinh - Chỉ huy phó kiêm Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Mặt trận Huế trả lời: “Ta còn có thể chiến đấu, bám trụ giữ được thành phố thêm ít ngày nữa”. Sau một hồi suy xét, đồng chí Tư lệnh quyết định: “Tiếp tục chiến đấu bám trụ giữ thành phố Huế” và báo cáo quyết tâm đó ra Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng. Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đồng ý với đề nghị đó và gửi điện chỉ thị: “Phải giữ thành để phục vụ nhiệm vụ chính trị chung cho cả nước”.

Với quyết tâm của toàn mặt trận, cùng với sức chiến đấu phi thường của quân, dân Huế và sự chi viện tích cực của cấp trên, bộ đội ta đã chiếm giữ và làm chủ thành phố Huế trong suốt 26 ngày đêm, đạt được các yêu cầu của nhiệm vụ chiến dịch, chiến lược đề ra. Cuộc chiến đấu anh dũng, kiên cường suốt 26 ngày đêm của quân và dân thành phố Huế là một trong những trọng điểm nổi bật của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Cùng với toàn miền Nam, Huế đã nổi lên là một chiến trường trọng điểm xuất sắc nhất, góp phần vào thắng lợi chung, làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, đơn phương ngừng ném bom miền Bắc (từ vĩ tuyến 20 trở ra) và chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán với ta về việc lập lại hòa bình ở Việt Nam tại Thủ đô Paris (Pháp).

Với thắng lợi lịch sử này, quân và dân Thừa Thiên Huế xứng danh với 8 chữ vàng “Tấn công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường” mà Đảng, Nhà nước và Bác Hồ trao tặng.

NGUYỄN ĐÌNH DŨNG