Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ thăm làng hoa giấy Thanh Tiên 

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ khẳng định, Phú Mậu đã và đang có những bước đi đúng hướng trong quá trình phát triển đi lên của mình. Điều này thể hiện rất rõ vai trò của cấp ủy chính quyền và hệ thống chính trị của địa phương thời gian qua.

Phát huy thế mạnh địa phương

Ngày 1/7/2021, xã Phú Mậu sáp nhập vào TP. Huế. Năm 2015 đến nay, xã đã đầu tư 44 công trình hạ tầng nông thôn. 

Bà Trần Thị Minh Tâm, Bí thư Đảng ủy xã Phú Mậu nhấn mạnh, điểm nổi bật là, quy chế dân chủ ở xã không ngừng được chú trọng. 

Phú Mậu là địa phương đi đầu trong phát triển nông nghiệp, nhất là trồng hoa, rau màu, nghề truyền thống hoa giấy Thanh Tiên, tranh dân gian làng Sình… đã giải quyết được nhiều lao động tại địa phương.

Đảng bộ xã Phú Mậu hiện có 171 đảng viên, sinh hoạt tại 13 chi bộ Đảng. Đây là “hạt nhân” đi đầu trong phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong các phong trào phát triển tại địa phương; kịp thời nắm bắt, giải quyết những vấn đề vướng mắc ở cơ sở. 

Tuy nhiên, dù được Đảng ủy xã quan tâm, tập trung lãnh, chỉ đạo, nhưng nguồn phát triển đảng viên mới ở địa phương còn nhiều khó khăn. Mặt khác, Phú Mậu là xã có nhiều tiềm năng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhưng vẫn chưa phát huy hết giá trị vốn có. 

Tại buổi làm việc, đoàn công tác của Tỉnh ủy và đại diện lãnh đạo Sở Du lịch và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đi sâu phân tích, gợi mở nhiều vấn đề để phát huy hơn nữa, thúc đẩy phát triển du lịch, nhất là về làng nghề truyền thống làm hoa giấy Thanh Tiên, lễ hội vật truyền thống làng Sình; nâng cao kỹ năng văn hóa du lịch cho người dân; chủ động, đổi mới, đa dạng hóa trồng hoa trên địa bàn xã.

Phú Mậu có 2 làng nghề và 1 lễ hội vật lớn là lợi thế cho du lịch, xã cần có phương án kêu gọi nguồn lực để xây dựng bến thuyền vào làng Sình; vận động, kết hợp với các trường học để truyền dạy nghề làm hoa giấy Thanh Tiên và kêu gọi người dân tham gia nhiều hơn.

Ý kiến của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là, xã không nên mở rộng diện tích nuôi cá lồng trên địa bàn mà cần sắp xếp lại cho hợp lý; ứng dụng khoa học công nghệ vào trồng hoa (nuôi cấy mô) để cạnh tranh với hoa của các vùng khác; liên kết đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp, tạo sinh kế và nâng cao mức sống người dân.

Nhiều ý kiến cũng đã đề ra các giải pháp để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, chất lượng đảng viên, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; tăng cường công tác kiểm tra giám sát; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận; củng cố mối đoàn kết toàn dân…

Đảng phải mạnh từ cơ sở

Kết luận tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ chia sẻ, tuy còn nghèo, nhưng xã có nhiều thế mạnh, với nhiều công trình, dự án nổi lên trên địa bàn mang nhiều kỳ vọng mới.

Làng nghề truyền thống của xã có thương hiệu, trở thành ngành kinh tế quan trọng. Vấn đề đặt ra là, làm sao để phát huy thế mạnh, thương hiệu lớn để Phú Mậu ngày càng phát triển.

Điều quan trọng là, tập trung lãnh, chỉ đạo nâng cao nhận thức, ý thức đô thị cho người dân. Đội ngũ bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng ban mặt trận thôn đóng vai trò quan trọng, chính là nhịp cầu nối giữa ý Đảng lòng dân, cấp ủy, chính quyền địa phương với người dân.

Các ý kiến cho rằng, Phú Mậu là xã có nhiều tiềm năng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhưng vẫn chưa phát huy hết giá trị vốn có

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ lưu ý, công tác xây dựng Đảng, nâng cao chất lượng cán bộ, đảng viên luôn phải được lên hàng đầu. Cán bộ kiêm nhiệm nhiều, nên cần phải phân công, phân nhiệm rõ ràng để phát huy vai trò, chức trách, nhiệm vụ được giao.

Nhiều chỉ tiêu, mục tiêu đề ra nên phải nâng cao chất lượng điều hành, triển khai nghị quyết. Muốn vậy, phải đổi mới tư duy trong lãnh, chỉ đạo; đổi mới cách nghĩ, cách làm, “không phải là phép cộng về thành tích mà phải là phép nhân của những mô hình tiên tiến cần nhân rộng” trên cơ sở đồng thuận của người dân.

Bài, ảnh: ANH PHONG