Người dân mua sắm tại siêu thị GO! Huế. Ảnh: MC
Bán lẻ, doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng mạnh
Tháng 1/2023, trong số 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có 7 nhóm hàng có chỉ số giá tăng so với tháng trước. Cụ thể, hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,88%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,51%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,67%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,24%; giao thông tăng 2,28%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,12%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,74%.
Các nhóm còn lại, gồm: nhóm nhà ở, điện nước và chất đốt giảm 0,33%. Các nhóm thuốc và dịch vụ y tế, giáo dục và bưu chính viễn thông bình ổn so với tháng 12/2022.
Qua đánh giá, tháng 1/2023, tình hình thị trường những ngày giáp Tết Nguyên đán Quý Mão sôi động, sức mua hàng hóa tại các chợ, siêu thị tăng cao. Tuy có một số hàng hóa như hoa, quả, thực phẩm tươi sống... giá bán tăng so với ngày thường do nhu cầu thờ cúng cuối năm, nhưng nhìn chung, giá cả nhu yếu phẩm ổn định, không biến động mạnh.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2023 trên địa bàn tỉnh ước đạt gần 4.698 tỷ đồng, tăng 5,6% so với tháng 12/2022 và tăng 26,8% so với tháng 1/2022. Trong đó, bán lẻ hàng hóa ước đạt 3.512,3 tỷ đồng, chiếm 74,8% tổng số, tăng 7% so với tháng trước và tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo Cục Thống kê tỉnh, CPI chung toàn tỉnh tháng 1/2023 tăng 1,01% so với tháng 12/2022. So cùng kỳ năm 2022, CPI chung toàn tỉnh tháng 1/2023 tăng 3,65%, trong đó, một số nhóm hàng hóa, dịch vụ tăng cao, như: hàng ăn, dịch vụ ăn uống tăng 6,3%; đồ uống, thuốc lá tăng 7,01%; giáo dục tăng 6,96%...
Lãnh đạo Sở Công thương cho hay, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, lượng cung ứng các loại rau, củ, quả, thịt, trứng… và nhu yếu phẩm về các chợ, siêu thị khá nhiều, góp phần bình ổn thị trường. Bên cạnh đó, Sở Công thương cũng phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh, các sở, ngành liên quan theo dõi, chủ động nắm bắt tình hình, thông tin thị trường; tăng cường phối hợp kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng nhái, hàng giả, hàng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và các hành vi gian lận thương mại khác. Qua kiểm tra, chưa phát hiện hành vi đầu cơ, tăng giá bất hợp lý, gây bất ổn thị trường.
Những ngày giáp Tết Nguyên đán Quý Mão, sức mua tại các chợ, siêu thị tăng cao
IIP ảnh hưởng bởi lịch nghỉ tết dài
Do dịp Tết Nguyên đán Quý Mão có lịch nghỉ tết dài nên tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh chịu ảnh hưởng khá nhiều. Thêm vào đó, lượng đơn hàng từ cuối năm 2022 có xu hướng giảm trong khi các doanh nghiệp trong tháng này chưa có nhiều đơn đặt hàng mới là những yếu tố khiến chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Qua thống kê, chỉ số IIP tháng 1/2023 giảm 8,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng giảm 16,3%; công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 10,1%; sản xuất và phân phối điện giảm 5,4%; cấp nước và thu gom rác thải giảm 1,7%...
Cũng do ảnh hưởng lịch nghỉ tết dài, trong tháng 1/2023, nhiều ngành công nghiệp cấp 4 có IIP giảm so với cùng kỳ do thời gian ngừng hoạt động sản xuất của doanh nghiệp khá lớn, dẫn đến khối lượng hàng hóa sản xuất giảm sâu, trong đó, khai thác đá, cát, sỏi giảm 19,2%; sản xuất sợi giảm 8,4%; may mặc giảm 24,9%; sản xuất sản phẩm từ plastic giảm 15%; sản xuất xi măng, vôi, thạch cao giảm 25,8%); sản xuất tủ, bàn, ghế giảm 21,4%...
Dẫu vậy, vẫn có tín hiệu vui trong tháng đầu năm mới 2023 từ một số ngành công nghiệp cấp 4 khác khi IIP tăng so cùng kỳ. Theo đó, sản xuất chế biến thủy sản tăng 54,5%; sản xuất bia và mạch nha ủ men bia chịu tăng 52,5%...
Qua phân tích, về sản xuất chế biến thủy sản, nhờ các đơn vị chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào nên sản xuất được đẩy nhanh. Ngoài ra, thị trường xuất khẩu duy trì lợi thế so sánh từ những năm trước, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục duy trì mức sản xuất cao.
Còn về sản xuất bia và mạch nha ủ men bia chịu, dù gặp cạnh tranh khá lớn của các hãng bia trong nước và thế giới nhưng vẫn đạt tăng tưởng tốt trong thời gian qua nhờ tình hình tiêu thụ bia tăng cao trở lại do các hoạt động lễ hội, dịch vụ du lịch, ăn uống… hồi phục mạnh mẽ; đồng thời, các thị trường truyền thống ổn định, các thị trường Thanh Hóa, Hà Nội, Sơn La, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Nam tiếp tục tiêu thụ thuận lợi và phát triển mạnh.
Ngoài ra, một số ngành cũng có IIP tăng đáng kể, như bánh gạo, tăng 12,9%; hóa dược liệu tăng 9,5%, vỏ lon nhôm tăng 17,9%... Nguyên nhân là nhờ doanh nghiệp có những đơn hàng mới trong những tháng giữa năm.
Tương tự, so với cùng kỳ năm 2022, nếu một số sản phẩm công nghiệp, như: đá vôi giảm 21,4%; sợi xe từ các loại sợi tự nhiên giảm 8,4%; quần áo lót cho người lớn không dệt kim hoặc đan móc giảm 24,34%; clinker xi măng giảm 39,2%; xi măng Portland đen giảm 37,1%; điện sản xuất giảm 7,4%..., thì những sản phẩm khác, như: tôm đông lạnh tăng 54,5%; bia đóng chai tăng 72,9%, bia đóng lon tăng 47,8%; gạch men tăng 29,9%; vỏ lon nhôm tăng 17,9%...
Bài, ảnh: HÀN ĐĂNG