Sau Tết Nguyên đán là thời điểm nhiều lao động bắt đầu “hành trình” tìm kiếm việc làm. Người thì nhảy việc tìm công việc mới phù hợp, thu nhập hấp dẫn hơn. Người chưa có việc làm thì trăn trở với các cuộc đi ở, tìm kiếm việc làm. Đặc biệt, một số lao động bị giãn việc, mất việc trở về quê dịp cuối năm 2022, nay tìm kiếm việc làm mới cũng không hề dễ dàng.

Theo đánh giá của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nhìn tổng thể, thị trường lao động Việt Nam vẫn là một thị trường dư thừa lao động và phát triển không đồng đều; cung lao động còn nhiều bất cập; số lượng lao động có trình độ, kỹ năng nghề cao còn thấp. Việc kết nối cung – cầu lao động còn hạn chế, vẫn đang xảy ra tình trạng mất cân đối cung - cầu cục bộ ở một số địa phương, khu vực, ngành nghề. Với Thừa Thiên Huế, là cái nôi đào tạo các ngành nghề từ trung cấp đến đại học, nhưng thực trạng trên cũng là điều trăn trở. Điều thấy rõ nhất, cứ mỗi dịp đầu năm, những chuyến xe vào Nam luôn tấp nập dòng người từ các vùng nông thôn đến thành thị trở lại nơi làm việc.

Tuy nhiên, do nhiều yếu tố bất lợi của thị trường thế giới, những tháng cuối năm 2022, nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng, thu hẹp đơn hàng khiến hơn 53 nghìn lao động cả nước mất việc làm. Trong đó, nhiều lao động ở Thừa Thiên Huế phải về quê ăn tết sớm và đến nay vẫn nán lại chờ đợi thông báo mới của công ty. Ngay cả một số lao động đang làm việc ở các doanh nghiệp ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ tuy đã đi làm trở lại, nhưng vẫn cầm chừng. Chính điều này, khiến cho nhu cầu tìm việc mới của lao động trên địa bàn tỉnh càng thêm sôi động. Trước mắt, dù có khó khăn, các doanh nghiệp cũng cần có chính sách, giải pháp để giữ chân nguồn lao động có tay nghề. Bởi, khó khăn là trước mắt, còn nguồn nhân lực có tay nghề phải có quá trình đào tạo lâu dài, nếu để họ nhảy việc, chuyển việc sang lĩnh vực mới thì sẽ ảnh hưởng đến quá trình khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế của doanh nghiệp nói riêng và cả nền kinh tế nói chung.

 Theo kế hoạch, ngày 5/2 tới đây, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh sẽ tổ chức phiên giao dịch việc làm đầu năm theo hình thức trực tuyến và trực tiếp, với nhu cầu tuyển dụng trên 1 nghìn vị trí việc làm cho lao động phổ thông lẫn lao động có trình độ từ trung cấp trở lên, làm việc trong tỉnh, trong nước và nước ngoài. Đây là cơ hội tốt cho những lao động tìm kiếm việc làm mới phù hợp với trình độ, nhu cầu bản thân.

Đặc biệt, con đường xuất khẩu lao động hiện được đánh giá có nhiều cơ hội và tiềm năng, khi một số nước trên thế giới như Nhật Bản, hàn Quốc đang nới lỏng các điều kiện, tạo cơ hội cho lao động nước ngoài đến làm việc. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng có nhiều chính sách khuyến khích, tạo điều kiện về thủ tục, cho vay vốn và nhiều doanh nghiệp tư vấn xuất khẩu lao động cũng tích cực vào cuộc để giúp người lao động tham gia vào thị trường xuất khẩu lao động.

Theo kế hoạch, năm 2023, tỉnh đặt chỉ tiêu giải quyết việc làm cho 17.000 lao động, trong đó đưa 2.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; đưa tỷ lệ thất nghiệp thành thị dưới mức 2,2%; phấn đấu tuyển sinh, đào tạo nghề cho 17.000 học viên ở các cấp trình độ; đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%.

Để đạt mục tiêu trên, trước tiên mỗi lao động cần nhận diện rõ khả năng bản thân, định hướng con đường nghề nghiệp từ sớm để có sự chuẩn bị. Chỉ khi có tay nghề người lao động mới có thể tìm kiếm công việc thuận lợi, phù hợp và có mức thu nhập hấp dẫn để đảm bảo cuộc sống.

Theo dự báo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cùng với sự phục hồi của kinh tế - xã hội năm 2023, thị trường lao động cũng kỳ vọng có những chuyển động theo hướng tích cực. Người lao động cũng cần chuẩn bị tâm thế để đón cơ hội và tìm được việc làm phù hợp.

Hoàng Minh