Chọn hoa cho ngày tết
Mấy ngày tết vừa qua, lướt facebook, thỉnh thoảng lại thấy nhảy vào những đoạn video clip quay lại cảnh những người đàn ông cầm gậy, cầm dao đập/chặt phá các chậu đào, quất, cúc và các loại hoa tết. Xem và lắng nghe, “khán giả” hiểu ra rằng, đó là cảnh những người kinh doanh hoa tết, bị đọng hàng đến chiều ba mươi, nhưng không chịu bán rẻ, không chịu biếu, tặng, mà nhất quyết phá bỏ!
Người xem có thể hiểu hành vi trên mang mấy ý nghĩa: Trước tiên là để giải tỏa mối thất vọng, bực bội trong lòng. Đó là sự giải tỏa hoàn toàn có thể cảm thông và thấu hiểu, bởi lẽ vốn liếng, tâm sức đầu tư cho vụ hoa tết với thật nhiều hy vọng, để rồi sau đó dầm mưa, dầm rét, thức ngủ nhiều đêm, và kết quả thu về là một đống hoa tồn đọng. Hỏi sao không thất vọng, không bực dọc, không… nổi điên cho được? Không ăn được thì đạp đổ. Vậy là a lê, phá! Phá kỳ tan tành thì thôi. Thế mới hả cơn giận dữ, muộn phiền ứ nghẹn nơi cổ họng… Và cũng biết đâu, việc làm ấy sẽ đánh động được sự thương cảm của người tiêu dùng, để từ sang năm trở đi họ sẽ sớm ủng hộ những người buôn bán hoa tết.
Về góc độ kinh tế (nói thế cho nó hoành tráng), thì những người đầu tư cho vụ hoa tết quyết định thà phá bỏ chứ nhất định không tặng, cho, hạ giá bán rẻ để thu hồi thêm ít vốn, mục đích là không tạo ra tiền lệ để người tiêu dùng bao giờ cũng “nín thở”, đợi đến chiều ba mươi tết mới đi chọn mua hoa để được hời, được rẻ. Nếu xảy ra điều này, và năm nào cũng vậy thì người trồng hoa, buôn hoa còn làm ăn nỗi gì. Thế nên, thà đau, thà lỗ chứ nhất định không cho, không hạ giá. Có lẽ cũng suy nghĩ như vậy mà một vựa hoa lớn tại Huế, cho đến chiều muộn ba mươi tết vừa qua, dù lượng hoa cắt cành còn đọng khá nhiều, nhưng khách đến hỏi vẫn không có hoa rẻ như lầm tưởng. Ngược lại, một vài loại còn bị tăng thêm mười đến vài mươi ngàn đồng/bó. Hết thời gian, người “chờ hoa ba mươi” hoặc là phải chấp nhận mua đắt, hoặc là buộc phải “giảm tone”, mua những loại hoa rẻ hơn nhưng không được như ý. Những người này, khả năng từ sang năm trở đi sẽ giã từ tâm lý chờ ba mươi hoa rẻ.
Hoặc có thể đó là những Youtuber, Fabooker, TikToker gì gì đấy, họ muốn làm những chuyện “động trời” chút để câu like, câu view. Tuy nhiên, đây là khả năng khá thấp, bởi những cảnh ấy bây giờ đã không còn quá lạ, quá mới đủ để thu hút sự tò mò của công chúng.
Nói không quá lạ, không quá mới là bởi cảnh ấy nhiều năm gần đây hầu như năm nào cũng thấy. Tôi cũng từng vì thấy lạ mà dừng lại để xem, nhưng xem rồi, cảm thông chỉ một phần còn phản cảm lại thấy phần đa. “Nâng như nâng trứng hứng như hứng hoa”, từng có câu như vậy với nghĩa đen là phải biết trân quý, cẩn thận, nhẹ nhàng với trứng, với hoa là những thứ dễ vỡ, thanh khiết, đẹp đẽ. Vậy mà ai đời, những đào, những quất, những cúc, những thược dược… mới cả năm chăm bẵm, nâng niu đó, bây giờ lại bị vùi dập tả tơi không thương tiếc, không nương tay. Chẳng phải nhẫn tâm, phản cảm thì là gì?
Từng nghe “thương trường như chiến trường”. Tạm hiểu bán mua, đầu tư làm ăn cũng như đánh trận. Mà đánh trận thì có thắng có thua, có tiến có thoái. Thắng thì cứ thế mà xông lên, còn thất thế thì phải có phương án lui về phòng thủ. Đầu tư buôn bán hoa có lẽ cũng nên vậy, với các loại mang tính ngắn ngày, thời vụ thì đành, nhưng với những loại trồng, chơi được nhiều năm như đào, như quất chẳng hạn, sao lại không có phương án thu về để tiếp tục chăm bón chờ mùa sau, khi đó, cây càng già, dáng thế càng mặn mòi càng được giá, sao lại đành đoạn phá bỏ?
Lại nữa, hầu như tỉnh, thành nào cũng có những vùng trồng hoa, có hội sinh vật cảnh; nên chăng cần suy nghĩ để có những cánh đồng “cứu hộ” hoa kiểng, tạo điều kiện tiếp nhận, ký gửi các loại hoa kiểng tồn đọng cho những nhà vườn ở xa không đưa về kịp do cận tết, khó khăn về phương tiện vận chuyển. Giúp họ ra giêng tháng rộng ngày dài sẽ chuyển về dần. Hoặc là có thể nhận chăm sóc luôn rồi ăn chia theo thỏa thuận. Đó sẽ là những cánh đồng tình nghĩa, nhân văn; và biết đâu còn tạo thêm hương sắc cho vùng trồng hoa địa phương, làm phong phú thêm cho điểm đến du lịch.
Chút xót xa khi phải mục kích cảnh “dập liễu vùi hoa” nên mạo muội nêu vài suy nghĩ. Hy vọng sẽ có người đồng cảm, đề xuất thêm những giải pháp hay để những mùa sau cảnh tàn phá hoa xuân không phải còn tái diễn.
Bài, ảnh: Hàn Yên