Học sinh chủ động trong chương trình GDPT mới
Tiệm cận đến người học
Ở tiết học môn hóa của học sinh sinh Trường THCS Huỳnh Đình Túc (TP Huế), học trò hứng thú với bài dạy “Axit - Bazơ - Muối”. Bài học trở nên gần gũi, dể hiểu khi giáo viên giúp học sinh hiểu được khái niệm muối, công thức, cách phân loại và gọi tên các muối. Để học trò nắm được khái niệm muối, cô giáo đã chiếu lại câu hỏi 1 ở phần mở đầu, yêu cầu học sinh giải thích lựa chọn. Giáo viên chiếu bảng phân tích thành phần phân tử 3 chất, yêu cầu học sinh nhận xét. Sau đó các em tự đưa ra khái niệm muối, bằng các quan sát, phân tích, thảo luận cùng nhau và đưa ra câu trả lời. Sau khi học sinh trả lời cô giáo mới nhận xét, kết luận.
Em Nguyễn Thị Mỹ, học sinh Trường THCS Huỳnh Đình Túc cho rằng, học các môn theo phương thức tích hợp khá thú vị. Kiến thức môn này sẽ hỗ trợ cho môn kia và học sinh không có cảm giác học vẹt. Học sinh được “trao quyền” chủ động hoạt động để chiếm lĩnh tri thức.
Theo khảo sát tại các trường, điểm nhấn của Chương trình GDPT 2018 là giáo viên và học sinh chuyển từ cách dạy học truyền thụ kiến thức sang dạy học tổ chức các hoạt động cho học sinh tự nghiên cứu. Không còn cảnh thầy đọc trò chép, học sinh tiếp thu kiến thức như trước mà giáo viên thường xuyên tổ chức các hoạt động thực hành trên lớp để trò tự tìm hiểu, trao đổi, khám phá kiến thức.
“Giáo viên sẽ chấp nhận cả những phát biểu chưa đúng, chưa chính xác. Trên cơ sở đó, tiếp tục trao đổi, nhận xét và bổ sung cho học sinh. Học sinh không bị gò ép theo hướng của giáo viên mà tự do suy nghĩ, sáng tạo. Giáo viên chỉ là người “chốt chặn” cuối cùng để bảo đảm học sinh hiểu đúng, hiểu đủ về kiến thức. Đây là điểm mới được đánh giá cao. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra yêu cầu các em phải thay đổi cách học, cần chủ động hơn trong quá trình học, lĩnh hội kiến thức”, cô giáo Hồ Thị Thanh Vân, Trường THCS Huỳnh Đình Túc cho biết.
Đổi mới trong kiểm tra, đánh giá
Em Nguyễn Thị Anh Thư, học sinh lớp 7 Trường THCS Hồ Văn Tứ (Hương Trà) chia sẻ: “Số lần kiểm tra không giới hạn và không cố định, em sẽ không bị áp lực. Có lần làm bài kiểm tra 1 tiết, em bị sốt nên điểm thấp. Tuy nhiên, trong quá trình học tập, giáo viên đã ghi nhận học sinh có tinh thần phát biểu, chia sẻ… nên điểm số được cải thiện”.
Những năm trước giáo viên luôn trăn trở bởi số lượng kiểm tra nhiều, lúc nào học sinh và giáo viên cũng lo đến kiểm tra. Theo quy định mới của Bộ GD&ĐT sẽ không phải vất vả với nhiều bài kiểm tra; giáo viên cũng không mất quá nhiều thời gian vào việc chấm, chữa bài. Cô giáo Nguyễn Thị Hoàng Hải, Trường THCS Hồ Văn Tứ nhìn nhận: Hoạt động kiểm tra, đánh giá có nhiều thay đổi. Chẳng hạn, hình thức kiểm tra, đánh giá cũng cải tiến, phù hợp hơn, tạo ra những tín hiệu lạc quan trong dạy - học. Thay vì chỉ đánh giá tại một thời điểm, học sinh được đánh giá trong cả quá trình học tập. Các em bớt nặng nề, lo âu hơn với các bài kiểm tra như trước đây.
Thực tế, giáo viên cũng chủ động ứng dụng tối đa công nghệ thông tin vào kiểm tra đánh giá học sinh. Từ việc đa dạng kiểm tra, thầy cô sẽ cho nhiều điểm số và lựa chọn điểm tốt nhất cho vào cột điểm của học trò. Qua đó, sẽ thấy được sự tiến bộ, năng lực của các em, điểm mạnh điểm yếu và trách nhiệm với điểm số mà mình ghi vào cột điểm ấy.
Kỳ vọng vào đổi mới
Theo ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT, khó khăn hiện nay là nhu cầu danh mục thiết bị tối thiểu thực hiện chương trình GDPT mới rất nhiều, trong khi nguồn lực thì có hạn nên các cơ sở giáo dục khi trang bị trang thiết bị cũng phải tính toán, rà soát lại cơ sở vật chất hiện có trên cơ sở đó ưu tiên lựa chọn thiết bị tối thiểu phù hợp để trang bị. Song song với đó, tăng cường tổ chức và khuyến khích đẩy mạnh các hoạt động trang bị thiết bị tự làm trong giáo viên.
Khó khăn trước mắt là điều kiện tạo động lực làm việc cho đội ngũ thầy cô. Dù đã có nhiều giải pháp nhưng đối với thầy cô vùng sâu, xa, vùng khó khăn, để có tính bền vững lâu dài, đặc biệt là giữ chân giáo viên gắn bó lâu dài với trường lớp, học sinh và bản làng, để giữ chân họ, gắn bó chăm lo cho sự nghiệp giáo dục ở đó thì còn đòi hỏi sự nỗ lực nhiều hơn nữa.
Mong muốn của ngành giáo dục là có chính sách riêng đủ mạnh đối với đội ngũ giáo viên. Bởi, muốn nâng cao chất lượng người học đòi hỏi tâm huyết, sức lực của giáo viên cũng ngày càng nhiều, chừng nào có chính sách riêng thì mới giúp rút ngắn khoảng cách giữa thành thị với các huyện vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài ra, điều kiện kiên cố hóa trường lớp học, đảm bảo thiết bị tối thiểu, đảm bảo trường đạt chuẩn quốc gia ở từng cấp độ cũng là điều trăn trở bởi phải có điều kiện về hạ tầng, cơ sở vật chất thì giáo dục mới phát triển được, việc đổi mới cách dạy, cách học, cách đánh giá, đổi mới thi cử trong giáo dục hướng đến mục tiêu phát triển năng lực mới thực hiện thành công được.
Bài, ảnh: HUẾ THU