Học sinh trải nghiệm gói bánh trong ngày Tết

1. Triển khai thực hiện dạy học trải nghiệm văn hóa, các hoạt động thực hiện của Trường THCS Phong An (Phong Điền) hướng đến việc cho học sinh tham gia tìm hiểu về các làng nghề thủ công truyền thống trên địa bàn huyện, tìm hiểu các sản phẩm thủ công thân thiện thay thế sản phẩm nhựa nhằm bảo vệ môi trường hay tổ chức các hoạt động dạy học trong không gian di sản, thực hiện các tiết học tại các di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.

Cô giáo Trần Thị Thùy Lan chia sẻ, với việc tổ chức cho học sinh tham quan trải nghiệm tại gốm Phước Tích và làng đệm Phò Trạch, đã giúp cho học sinh trải nghiệm về quá trình sản xuất các sản phẩm gốm và đệm, tìm hiểu giá trị văn hóa của các làng nghề và hướng đến thấu hiểu ý nghĩa của các sản phẩm thủ công truyền thống trong cuộc chiến chống lại rác thải nhựa. Cũng theo cô giáo Thùy Lan, bản thân cô đã thực hiện các hoạt động chuyên đề tin học và lịch sử địa phương, cho học sinh tham quan học tập tại các di tích, thu thập dữ liệu và chuyển thành các file của đơn vị nhằm phát huy giá ttị của di sản đến học sinh và cộng đồng.

2. Thời gian qua, các trường học ở Huế tăng cường việc giáo dục di sản. Hoạt động này góp phần đổi mới phương pháp dạy học, gắn lý thuyết với thực tiễn và giúp học sinh hiểu hơn về di sản Huế. Các trường học liên kết với Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, Ban Quản lý chợ Đông Ba và các bảo tàng, phòng tranh, rạp phim… tổ chức cho học sinh tham quan, trải nghiệm, qua đó hình thành và hoàn thiện nhân cách, nâng cao ý thức, trách nhiệm cho thế hệ trẻ trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của dân tộc. Em Nguyễn Thị Yên, học sinh Trường tiểu học Trần Quốc Toản chia sẻ: “Khi vào chợ Đông Ba, được tham quan các gian hàng, tìm hiểu các làng nghề sản xuất ra các sản phẩm nổi tiếng của Huế như nón bài thơ, áo dài, mây tre đan... em rất thích thú. Nhà em ở rất gần chợ nhưng lâu nay chưa bao giờ được đến chợ”.  

Ngành GD&ĐT thành phố Huế chỉ đạo các cơ sở giáo dục đẩy mạnh thực hiện mô hình “Trường học gắn với di sản văn hóa” nhằm đa dạng hóa các hoạt động giáo dục di sản với nội dung, hình thức giảng dạy phù hợp với văn hóa địa phương cũng như điều kiện thực tế của các trường học. Ngoài ra, chỉ đạo các trường học ở 36 phường, xã trên địa bàn xây dựng kế hoạch, lịch trình cụ thể về các địa điểm tham quan, trải nghiệm di sản, trung tâm mua sắm, rạp phim… Đồng thời, liên hệ với các điểm đến để bố trí hướng dẫn viên, sắp xếp địa điểm để đưa học sinh tham quan các di tích lịch sử, nghe nhã nhạc cung đình, xem vẽ tranh… từng bước giáo dục học sinh phát triển toàn diện, biết giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc - văn hóa Huế.

3. Dạy học trải nghiệm văn hóa - teaching on cultural experiences được hiểu là một hoạt động dạy học thuộc hoạt động trải nghiệm trong nhà trường trung học cơ sở theo định hướng chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhưng ưu tiên hướng học sinh đến việc thực hành các trải nghiệm văn hóa. Về mặt lý thuyết, triển khai tốt mô hình dạy học trải nghiệm văn hóa sẽ giúp hình thành trục nối kết 3 định hướng quan trọng của của chương trình giáo dục phổ thông mới trải nghiệm là trải nghiệm - hướng nghiệp - chương trình địa phương và xây dựng trường học hạnh phúc.

Thực tiễn từ các trường học ở Thừa Thiên Huế, trong đó có Trường THCS Phong An cho thấy, dạy học trải nghiệm văn hóa không chỉ phát triển hài hòa kiến thức, kỹ năng, năng lực và phẩm chất mà còn góp phần xây dựng trường học hạnh phúc, biến mỗi giờ học thực sự là hành trình tìm kiếm niềm vui và những điều mới lạ, góp phần tạo nên suy nghĩ “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Và với ý nghĩ đó, trải nghiệm văn hóa là một hướng đi mở trong dạy học hiện nay.

Bài, ảnh: ĐAN DUY