Lên trung học, thầy dạy ngoại ngữ hay nhắc: “Nếu chưa qua khỏi con sông (phá Tam Giang) này thì hãy khoan nói chuyện thời sự”. Thời đó, một tờ báo cũ đã quá khó tìm bởi giao thông cách trở, một ngày đò dọc mới tới phố chợ một lần, “đánh dây thép” còn là trong mơ nói chi đến chuyện xa gần thế giới! Sông nước Tam Giang biến rẻo đất ven biển như một cù lao hẹp và dài chia ra nhiều xã, gần như mỗi xã đều có một vài cái chợ, chợ đông sớm, chợ họp chiều, có người nói “chợ là bao tử của làng” - Tôi tin thế!
Nên, mở mắt là biết chợ, rành mặt chữ thì đã làu làu dăm chợ nhỏ. Mùa rét đậm, mạ dắt đi chợ mua cái áo len, chắc là áo của con nhà khá giả nào đó vì chật nên mang đi bán lại, mạ mua được vì hợp túi tiền. Mình tròng vô luôn tại chợ, sung sướng vì hơi ấm đã bắt đầu len lỏi bên trong. Đó là lần đầu mình biết chợ Cồn Gai (nghe nói thời chiến tranh là vùng quân sự nhiều thép gai, thời gian nên cồn nên bãi nhưng thép gai vẫn còn, thế nên gọi là Cồn Gai chăng?). Có người bảo xa xưa nữa, chợ có tên là chợ Cơn (cây) Bàng, vì vùng đất đó có nhiều cây bàng, giờ thuộc khu vực xã Quảng Công, nơi có khúc rốn của mình và của chị hai chôn ở đó.
Thế rồi, cả nhà lên mạn ngược, có khi dạt ra đến chợ Nựu, chợ Biện... hai cái tên này mình lần tìm không ra dấu vết. Ngược qua bên kia phá thì có chợ Hôm, chợ họp vào lúc xế chiều và tan khi chạng vạng tối. Khác với chợ Chiều Quảng Ngạn họp chợ sớm hơn, mạ thường đi mua trái bầu nải chuối. Có lần thấy mình “tra” tới nơi mạ nói, trên chợ có “nàng xe hương” - miền Nam gọi là nhang, dễ thương lắm con nã!
Có lúc nhà mình cách chợ vài chục mét, nhưng xem ra “gia cảnh” chưa bao giờ là công dân của chợ. Tuy vậy, cái tên chợ Mới vẫn sâu nặng nhất trong hành trang, ký ức của mình. Về lưu lượng thì chợ Mới khác với các chợ lân cận là có thể đông cả ngày, còn chợ Đò (Minh Hương) thì đông chút buổi sáng, giờ không biết đò giang còn tấp nập hay không? Nhớ cái tivi đen trắng nhà bác Tam đã trở thành điểm hẹn hò cho nhiều đôi lứa. Dịp cận Tết, có phim Tam Quốc, đoạn Gia Cát Lượng biết mình hết tuổi vẫn lên xe đẩy ra trận, khí thế ngút trời thì cúp điện.
Nhờ coi ké tivi nhà bác ấy mà qua được vài mùa đông theo chị đến nơi này mưu sinh. Còn chợ Mới thì nhiều điều muốn kể, có lẽ những chất liệu thi ca của mình có được đều sinh trưởng ở nơi này. Nhưng ký ức được ví như là củ khoai, bụi mía... ăn dần sẽ hết.
PHAN TRUNG THÀNH