Thực phẩm được bày bán tại một khu chợ ở thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh minh họa: THX/TTXVN
Đây sẽ là hội nghị thượng đỉnh toàn cầu lần đầu tiên được tổ chức sau Hội nghị thượng đỉnh các hệ thống lương thực của LHQ năm 2021, được triệu tập nhằm thay đổi cách thế giới sản xuất, tiêu thụ và suy nghĩ về lương thực.
Sự kiện cấp cao này được tổ chức khi thế giới đang ở giữa chặng đường để đạt được Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), cung cấp kế hoạch chi tiết cho một thế giới bình đẳng, công bằng và “xanh” hơn.
Cải thiện cuộc sống và sinh kế
Bà Amina Mohammed cho biết: “Tôi mong đợi sự dẫn dắt của Italy trong việc tập hợp các bên liên quan để tạo ra bằng chứng cho thấy, việc chuyển đổi các hệ thống lương thực là một yếu tố thúc đẩy quan trọng đối với các SDGs”; đồng thời nhấn mạnh: “Các hệ thống lương thực bền vững, công bằng, lành mạnh và linh hoạt hơn sẽ tác động trực tiếp đến cuộc sống và sinh kế của người dân, khi chúng ta nỗ lực vì một tương lai tốt đẹp hơn cho con người và hành tinh”.
Tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới, các quốc gia sẽ chia sẻ những câu chuyện thành công và các dấu hiệu chuyển đổi ban đầu, đồng thời duy trì động lực cần thiết để đảm bảo các hệ thống lương thực linh hoạt.
Được biết, sự kiện sẽ diễn ra từ ngày 24 – 26/7 tại trụ sở của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của LHQ (FAO) ở thủ đô Rome của Italy. Quốc gia này sẽ đăng cai hội nghị thượng đỉnh cùng sự phối hợp với FAO và 2 cơ quan khác của LHQ bao gồm: Quỹ Quốc tế về Phát triển nông nghiệp (IFAD) và Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), cũng có trụ sở tại Rome.
Đóng góp và thách thức
Hội nghị thượng đỉnh kéo dài 3 ngày sẽ mang đến cơ hội cho các quốc gia để báo cáo về tiến độ đạt được kể từ Hội nghị thượng đỉnh các hệ thống lương thực của LHQ đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến hồi tháng 9/2021; nơi có hơn 50.000 người tham dự, trong đó có 77 nhà lãnh đạo thế giới, đã cam kết thúc đẩy hành động chuyển đổi.
Tại hội nghị thượng đỉnh năm nay, các Chính phủ cũng sẽ đánh giá những đóng góp của họ trong việc đạt được sự phát triển bền vững, bất chấp bối cảnh toàn cầu hiện tại đã thay đổi đáng kể.
Theo báo cáo của LHQ, số người trên toàn thế giới không đủ khả năng chi trả cho một chế độ ăn uống lành mạnh đã tăng thêm 112 triệu người trong giai đoạn 2019 - 2020, lên gần 3,1 tỷ người, phản ánh những tác động từ việc giá cả lương thực gia tăng trong đại dịch COVID-19.
Về phần mình, ông Antonio Tajani, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Italy cho rằng: “Italy, với sự tham gia chiến lược của ngành thực phẩm nông nghiệp mạnh mẽ và đổi mới sáng tạo, cam kết sẽ đóng một vai trò ngày càng tích cực trong việc hỗ trợ các nỗ lực của cộng đồng quốc tế, nhằm thúc đẩy an ninh lương thực và các giải pháp đổi mới sáng tạo, mang tính chuyển đổi cho các hệ thống lương thực bền vững và hiệu quả trên toàn thế giới”.
Đáng chú ý, hội nghị thượng đỉnh năm nay sẽ làm nổi bật hơn nữa vai trò trung tâm của việc chuyển đổi các hệ thống lương thực trong tiến trình đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững tổng thể trước thềm Hội nghị thượng đỉnh về các mục tiêu phát triển bền vững sẽ được tổ chức vào tháng 9 tới đây.
Qua đó, LHQ và Italy kêu gọi các quốc gia và các bên liên quan “chuẩn bị và nắm bắt cơ hội”, nhằm tái khẳng định cam kết toàn cầu trong việc hành động khẩn cấp, phù hợp với cam kết về các Mục tiêu phát triển bền vững.
Lê Thảo (Lược dịch từ UN News & UN Food Systems Hub)