Tiết mục trình diễn bài thơ “Đất nước”
Sông Hương từ lâu được xem là một trong số các dòng sông đẹp nhất thế giới. Cảm xúc từ sông Hương đem lại cho Huế một khối lượng đồ sộ các thi phẩm của các thế hệ thi sĩ với hàng trăm tác giả, hàng nghìn bài thơ sáng tác về sông Hương. Để tôn vinh sông Hương, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tổ chức đêm thơ giới thiệu những bài thơ hay viết về dòng sông.
Trong chương trình, những người yêu thơ được nghe các tác phẩm thơ, nhạc của các nhà thơ, nhạc sĩ: Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Hàn Mặc Tử, Nam Trân, Thanh Tịnh, Tố Hữu, Trần Hoàn, Văn Cao, Nguyễn Khoa Điềm, Phạm Tấn Hầu, Phương Xích Lô, Minh Kỳ, Nguyễn Trọng Tạo, Thu Bồn, Nguyễn Quang Hà, Nguyễn Khắc Thạch...
Những tác phẩm: “Hiểu quá Hương giang” (Cao Bá Quát), “Thu chí” (Nguyễn Du), “Chiều Hương Giang” (Nguyễn Khoa Điềm), Muôn bến (Thanh Tịnh)… giới thiệu vẻ đẹp long lanh, huyền ảo của dòng sông, mang đến cho người nghe nhiều cảm xúc để cảm nhận về những thi ảnh, tứ thơ, tâm tư và trí tuệ được các nhà thơ gửi gắm.
Chương trình cũng giới thiệu hai tiết mục trình diễn thơ “Kinh cầu xuân” (thơ Lê Vũ Trường Giang) và “Đất nước” (thơ Nguyễn Khoa Điềm), do nhà thơ Lê Vũ Trường Giang dàn dựng.
Festival Thơ Huế là một chương trình thi ca của thi nhân xứ Huế qua các kỳ Festival Huế, hình thành từ năm 2004 đến nay. Năm nay, Festival Thơ Huế là chương trình chính của lễ hội mùa xuân hưởng ứng Festival Huế bốn mùa.
* Trong khuôn khổ các hoạt động của Ngày Thơ Việt Nam, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tổ chức viếng mộ thi nhân tại các nghĩa trang trên địa bàn TP. Huế để tưởng nhớ các văn nghệ sĩ đã khuất.
Viếng mộ thi nhân. Ảnh: Liên hiệp các Hội VHNT
Đoàn văn nghệ sĩ đã đến nhà lưu niệm Phan Bội Châu, nghĩa trang Phan Bội Châu, nghĩa trang đồi Từ Hiếu, nghĩa trang Nhân dân, khu vực chùa Vạn Phước… để dâng nén hương tưởng nhớ các chí sĩ, văn nghệ sĩ đã qua đời, như: cụ Phan Bội Châu, nhà thơ Phạm Hầu, nhà thơ Phạm Quỳnh, nhà thơ Thanh Tịnh cùng các nhà hoạt động cách mạng Trần Thúc Nhẫn, Trần Cao Vân, các nhà thơ, nhà văn Phương Xích Lô, Thái Ngọc San, Nguyễn Xuân Hoàng…
Viếng mộ thi nhân là hoạt động thường niên của văn nghệ sĩ Cố đô được duy trì từ năm 2009 đến nay vào mỗi dịp Nguyên tiêu.
Tin, ảnh: Trang Hiền